Tái cấu trúc không gian đô thị TP.HCM tránh ùn tắc, ô nhiễm

Tái cấu trúc không gian đô thị TP.HCM để tránh ùn tắc và ô nhiễm

Để giảm ùn tắc giao thông, ngập nước và ô nhiễm, TP.HCM cần đầu tư xây dựng các khu đô thị vệ tinh theo hướng văn minh, hiện đại, phát triển các chương trình nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội.
Tái cấu trúc không gian đô thị TP.HCM để tránh ùn tắc và ô nhiễm ảnh 1Triều cường dâng cao gây ngập nước trong nhà nhiều hộ dân tại các con hẻm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Ngày 6/11, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý quy hoạch-kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh.”

Phát biểu tại hội thảo, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt của cả nước, với kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng hiện đại, không gian đô thị không ngừng được mở rộng, nhiều công trình được chỉnh trang, xây dựng mới đáp ứng được yêu cầu mỹ quan, thân thiện môi trường.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh theo xu hướng tập trung hóa đã khiến thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức như ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, hệ thống hạ tầng xã hội, nhà ở chưa đáp ứng nhu cầu tăng cao…

Để vươn tới vai trò trung tâm lớn kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của khu vực Đông Nam Á, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung thực hiện là làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị nhằm giải quyết cơ bản những điểm còn hạn chế.

Đặc biệt, tổ chức lại đời sống dân cư đồng thời đầu tư xây dựng các khu đô thị vệ tinh theo hướng văn minh, hiện đại, phát triển các chương trình nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội...

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định thành phố đang giữ vị trí và vai trò quan trọng, từ một trung tâm công nghiệp lớn trở thành đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục… nhưng vẫn bảo tồn những nét văn hóa riêng.

Hiện, thành phố nỗ lực xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trên cơ sở quy hoạch quốc gia, vùng; giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, kết nối hạ tầng các tỉnh, thành trong vùng, tăng cường quản lý bảo vệ môi trường, tổ chức lại đời sống dân cư.

Kỹ sư Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng Hội Xây dựng Việt Nam) cho rằng thành phố cần phát triển đa trung tâm theo định hướng giao thông công cộng để giảm ùn tắc kết hợp không gian giữa tập trung và phân tán bao gồm cụm trung tâm hiện hữu như Sài Gòn, Chợ Lớn, Thủ Thiêm, Phú Mỹ Hưng và 4 trung tâm khu vực gồm hướng Đông (Khu đô thị công nghệ cao, quận 9), hướng Nam (Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Nhà Bè), Tây Bắc (Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, huyện Củ Chi) và Tây Nam (Khu đô thị Tân Tạo-Tân Kiên, huyện Bình Chánh).

Trong khi đó, theo đề xuất của tiến sỹ, chuyên gia kiến trúc Ngô Viết Nam Sơn (Hội Kiến trúc cảnh quan Á Châu), thành phố cần tổ chức đô thị theo tuyến và cụm kết nối với nhau để phát triển giao thông công cộng. Theo đề xuất, thành phố sẽ phát triển các khu đa chức năng theo chiều đứng hoặc chiều ngang, xây dựng trong khoảng cách đi bộ đến trạm giao thông công cộng gần đó, với mục đích tạo ra môi trường sống bền vững, khả thi về tài chính, sống động với các chức năng phục vụ sinh hoạt, làm việc, vui chơi giải trí…/. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục