Tái cơ cấu Tập đoàn EVN: Gắn trách nhiệm của người đứng đầu

EVN đã thành lập ba Tổng công ty phát điện hạch toán độc lập từ ngày 1/1/2013 và sau hơn hai năm hoạt động, các tổng công ty này đã đi vào hoạt động ổn định.
Tái cơ cấu Tập đoàn EVN: Gắn trách nhiệm của người đứng đầu ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Để thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chuẩn bị Đề án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trực thuộc EVN giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt cơ chế đặc thù trước cổ phần hóa đối với ba Tổng Công ty Phát điện (GENCO).

Theo EVN, thực hiện quyết định của Chính phủ, Tập đoàn đã thành lập ba GENCO hạch toán độc lập từ ngày 1/1/2013. Sau hơn hai năm hoạt động, các GENCO đã đi vào hoạt động ổn định.

Thực hiện Công văn số 7738/VPCP-ĐMDN ngày 3/10/2014 của Văn phòng Chính phủ về việc cổ phần hóa GENCO thuộc EVN và Quyết định số 9494/QĐ-BCT ngày 22/10/2014 của Bộ Công Thương về việc cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty Phát điện 3, EVN đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty Phát điện 3. Đồng thời phê duyệt kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa Công ty mẹ - GENCO 3.

Hiện nay, EVN đã lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp và công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty mẹ - GENCO 3.

Đối với các Tổng công ty Điện lực đang triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn 2012-2015 theo chỉ đạo của EVN. Theo đó, trong năm nay phải hoàn thành toàn bộ việc thoái vốn của năm Tổng công ty Điện lực tại 35 doanh nghiệp với tổng số vốn cần thoái là 1.043 tỷ đồng.

Tính đến hết quý 2/2015, cả năm Tổng công ty Điện lực đã thoái vốn thành công tại 23 đầu mối doanh nghiệp với tổng số vốn thu về 648,4 tỷ đồng, thặng dư 38,1 tỷ đồng so với giá trị vốn đầu tư ban đầu. Hiện năm Tổng công ty Điện lực còn 12 đầu mối doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn, với tổng số vốn còn phải thoái là 484 tỷ đồng, chiếm 46,4% tổng số vốn cần phải thoái theo Phương án tái cơ cấu các Tổng Công ty Điện lực đã được Hội đồng thành viên EVN phê duyệt.

Theo Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012-2015, đến hết năm 2015 , EVN sẽ phải thực hiện thoái vốn và giảm vốn tại bảy Công ty cổ phần. EVN cho biết đến hết năm 2014, Tập đoàn đã thoái toàn bộ vốn ở ba doanh nghiệp bất động sản là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Điện lực Việt Nam, Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina và Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung theo đúng quyết định phê duyệt của Bộ Công Thương bằng hình thức đấu giá công khai với giá trị cổ phiếu bằng hoặc cao hơn mệnh giá.

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, đến hết tháng Tám năm nay, công tác thoái vốn, giảm vốn ngoài ngành của EVN tại bốn Công ty cổ phần còn lại là Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Điện lực Việt Nam và Công ty Tài chính cổ phần Điện lực đã được tiến hành theo đúng quy định.

Cụ thể, tại Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu (GIC) đã chuyển nhượng 1 triệu cổ phần của EVN cho Công ty International ERGO, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 22,5% xuống còn 20% vốn điều lệ của GIC. EVN đang bổ sung hồ sơ công bố thông tin về thoái vốn tại GIC theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và triển khai các bước thoái vốn tiếp theo theo quy định ngay sau khi Bộ Công Thương phê duyệt mức giá khởi điểm để bán đấu giá cổ phần của EVN tại GIC.

Tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), EVN hiện đã chuyển nhượng 25,2 triệu cổ phần cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco), giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 21,27% xuống còn 16,02% vốn điều lệ của ABBank.

Hiện tại, EVN chỉ còn lại vốn là phần lợi nhuận được chia bằng cổ phiếu, tiền mặt tại ABBank. Mới đây, ngày 14/9, Ủy Chứng khoán Nhà nước đã có công văn số 5814/UBCK-QLPH chấp nhận hồ sơ công bố thông tin về việc thoái vốn tại ABBank. EVN đang thực hiện các thủ tục tiếp theo để chuẩn bị tổ chức bán đấu giá công khai trong tháng 10 tới.

Các thủ tục thoái toàn bộ vốn của EVN tại Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) theo phương án đấu giá công khai toàn bộ 11,49 triệu cổ phần như phê duyệt của Bộ Công Thương đã được EVN triển khai từ năm 2014.

Ông Đinh Quang Tri cho biết đầu năm nay, sau khi được sự chấp thuận của Ủy Chứng khoán Nhà nước, EVN đã công bố đợt đấu giá bán cổ phần tại ABS. Tuy nhiên phiên đấu giá bị hủy do hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá và nộp tiền đặt cọc mua cổ phần không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự. Hiện tại, EVN đang xúc tiến làm việc với các nhà đầu tư về việc bán thỏa thuận số cổ phần chưa bán hết tại ABS.

Tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance), EVN đã chuyển nhượng 58,75 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 40% xuống còn 16,5% vốn điều lệ của EVNFinance.

EVN cũng đang làm việc với các nhà đầu tư mua thỏa thuận 3,75 triệu cổ phần tại EVNFinance, chiếm 1,5% vốn điều lệ của công ty này để đảm bảo tỷ lệ nắm giữ 15% vốn điều lệ tại EVNFinance theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Như vậy, tính đến hết tháng 8/2015, tổng giá trị thoái vốn, giảm vốn ngoài ngành nghề kinh doanh chính của EVN đạt hơn 958,3 tỷ đồng.

Đối với việc giảm vốn tại các doanh nghiệp phục vụ trực tiếp ngành nghề kinh doanh chính, theo công văn số 2166/TTg-ĐMDN ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012-2015, đến hết năm 2015, EVN phải bán bớt phần vốn đến mức EVN nắm dưới 50% vốn điều lệ hoặc không nắm giữ cổ phần tại bốn Công ty cổ phần là Cơ điện Miền Trung, Cơ điện Thủ Đức, Cơ khí Điện lực và Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh-Công ty cổ phần.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, EVN đã giao cho người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại các Công ty cổ phần cơ khí xây dựng phương án thoái vốn, giảm vốn để trình Hội đồng thành viên EVN xem xét trước khi trình Bộ Công Thương. Vừa qua, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương về phương án thoái vốn tại Công ty cổ phần Cơ điện miền Trung (CEMC) và được Bộ Công Thương thông qua chủ trương thoái vốn của EVN tại công ty này, đồng thời đề nghị EVN thoái vốn theo phương thức giao dịch khớp lệnh quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 51/2014-QĐ-TTg ngày 15/9/2014.

Ngày 1/9 vừa qua, EVN đã hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn tại CEMC với tổng số lượng giao dịch 1,02 triệu cổ phần, thu về 37,9 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu EVN theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho rằng EVN xác định cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, song song với việc tổ chức đấu giá công khai, đảm bảo nguyên tắc thị trường, EVN tích cực tìm kiếm các đối tác và chủ động đàm phán để chuyển nhượng cổ phần của EVN tại các doanh nghiệp chứng khoán, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và bất động sản.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ được giao, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị thành viên, của cán bộ quản lý theo quy định. Mặt khác, gắn trách nhiệm người đứng đầu các Tổng Công ty với kết quả tổ chức thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp.

Ngoài ra, thực hiện nghiêm công tác báo cáo tình hình triển khai Đề án tái cơ cấu EVN cho Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo quy định và kịp thời đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành để giải quyết những khó khăn trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp.

Ông Dương Quang Thành cũng cho biết EVN cũng đã hoàn thành Đề án mô hình tổ chức EVN trong giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh và Phương án tách bạch khâu phân phối và bán lẻ điện của các Tổng Công ty Điện lực để báo cáo Bộ Công Thương.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), khẳng định tái cấu trúc ngành điện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thị trường phát điện cạnh tranh cũng như bán buôn điện cạnh tranh trong thời gian tới.

Theo Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn, trong tháng 12/2015, Bộ Công Thương sẽ phải hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tái cơ cấu ngành điện mà một trong những trọng tâm là tiến hành cổ phần hóa các GENCO thuộc EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Các bước triển khai cổ phần hóa các GENCO sẽ thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và lộ trình sẽ được xem xét cho phù hợp với thị trường bán buôn điện cạnh tranh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục