Tai nạn đường thủy: Vì sao tàu thuyền hay đâm va vào cầu?

Tai nạn đường thủy: Vì sao tàu thuyền lại hay đâm va vào cầu?

Phương tiện thủy nội địa quá hạn đăng kiểm, ý thức chấp hành Luật kém, công tác hậu kiểm đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn gặp nhiều khó khăn… là những nguyên nhân khiến tai nạn đường thủy phức tạp.
Tai nạn đường thủy: Vì sao tàu thuyền lại hay đâm va vào cầu? ảnh 1Tàu thủy HP3016 mắt kẹt dưới gầm cầu An Thái. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Liên tiếp thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa do tàu tông thẳng vào cầu đã gây hậu quả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản quốc gia.

Theo ông Trần Văn Thọ, Cục phó Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), nguyên nhân là do phương tiện thủy nội địa quá hạn đăng kiểm; ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa khi không tuân thủ các quy định ra, vào cảng bến thủy nội địa; công tác hậu kiểm đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn đường thủy nội địa gặp nhiều khó khăn…

Phóng viên VietnamPlus đã có trao đổi với ông Trần Văn Thọ xung quanh vấn đề này.

- Nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy thời gian vừa qua đã dấy lên hồi chuông về diễn biến phức tạp và xem nhẹ an toàn đường thủy. Ông nghĩ gì về thực tế này?

Ông Trần Văn Thọ: Vừa qua, các vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng như tàu Thành Luân 28 đâm hỏng dầm cầu An Thái tại Kinh Môn (Hải Dương); vụ xà lan chở cát đâm sập Cầu Cơn Độ (Hà Tĩnh) và đặc biệt là vụ xà lan đâm sập 2 nhịp cầu Ghềnh (Đồng Nai) ngày 20/3 gây tê liệt giao thông đường sắt tuyến Bắc-Nam và đường thủy.

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy đáng tiếc xảy ra là do một số chủ phương tiện không chấp hành quy định về quản lý phương tiện, phương tiện hết hạn đăng ký đăng kiểm nhưng vẫn cho lưu hành trên các tuyến thủy nội địa, phương tiện ra vào bến không làm theo các thủ tục quy định của các Cảng vụ, phương tiện xuất phát từ các bến thủy nội địa không phép đồng thời còn chở quá tải, quá khổ dẫn đến nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác như không chấp hành quy tắc giao thông, quy tắc tránh vượt các điều kiện an toàn giao thông không đảm bảo và ý thức của người điều khiển phương tiện chưa cao.

Thực trạng người điều khiển phương tiện thủy nội địa khi tham gia giao thông chưa chấp hành các quy định giao thông vẫn còn xảy ra ở một bộ phận và là nguyên nhân trực tiếp gián tiếp gây ra nguy cơ tai nạn giao thông.

- Vậy, việc thuyền viên không chấp hành quy định giao thông có thể thấy rằng lỗi phần lớn ở công tác đào tạo, sát hạch cấp chứng chỉ chuyên môn thuyền viên?

Ông Trần Văn Thọ: Công tác đào tạo chứng chỉ chuyên môn đường thủy nội địa hiện đã thực hiện xã hội hóa trên toàn quốc với 38 cơ sở đào tạo bằng chứng chỉ chuyên môn.

Trong thời gian qua, Cục Đường thủy Nội địa đã tập trung chỉ đạo các cơ sở đào tạo, các trường đáp ứng nhu cầu cho người lái phương tiện đồng thời nâng cao chất lượng công tác đào đạo. Đặc biệt, lưu ý đạo đức của người được cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn và điều kiện của cơ sở đào tạo để đáp ứng yêu cầu đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện trên phạm vi toàn quốc.

Hiện, cả nước cấp trên 200.000 bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện nhưng thực tế một bộ phận thuyền viên được cấp bằng lại không hoạt động trong lĩnh vực đường thủy nội địa hoặc có thời gian nhất định mới quay lại điều khiển phương tiện nên việc quản lý những người đã được cấp bằng chứng chỉ chuyên môn cũng rất khó khăn, phân tán và công tác quản lý người sử dụng bằng đó vẫn còn tồn đọng nhất định.

Tai nạn đường thủy: Vì sao tàu thuyền lại hay đâm va vào cầu? ảnh 2Việc quản lý những người đã được cấp bằng chứng chỉ chuyên môn thuyền viên cũng đang tồn tại nhiều khó khăn. (Ảnh: TTXVN)

Như vụ cầu An Thái, người điều khiển phương tiện đã được thông báo về tĩnh không của cầu, có phao giới hạn nhưng ý thức chấp hành giao thông kém, năng lực chuyên môn còn hạn chế nên dẫn dến việc xảy ra sự cố đáng tiếc như vừa rồi.

- Thưa ông, giải pháp nào để “bịt” được “lỗ hổng” trong việc quản lý chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, hậu kiểm cảng bến để hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông đường thủy?

Ông Trần Văn Thọ: Những trường hợp không tuân thủ theo quy định gây tai nạn hoăc không tuân thủ quá trình kiểm tra có thể thu hồi chứng chỉ, yêu cầu học lại. Trong thời gian qua, lực lượng Cảng vụ đường thủy, Thanh tra giao thông và kể cả Thanh tra các Sở Giao thông Vận tải đã thu hồi thu giữ nhiều bằng chứng chỉ chuyên môn. Sau khi kiểm tra cho thấy, tình trạng người vi phạm có giảm so với trước khi chưa triển khai.

Ngoài ra, công tác đào tạo sát hạch hiện nay đều yêu cầu các trường phải lắp camera giám sát. Người tham gia giao thông đường thủy phải tuân thủ các quy định và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra đăng kiểm an toàn của phương tiện, chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện và chỉ được điều khiển phương tiện đúng theo bằng được cấp.

Việc để các phương tiên quá hạn đăng kiểm vẫn di chuyển là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Nguyên tắc là khi phương tiện xuất bến từ một cảng nào đấy sẽ phải làm thủ tục vào bến bốc xếp hàng hóa và ở đó, Cảng vụ kiểm tra đăng ký đăng kiểm, chứng chỉ thuyền viên.

Hiện nay, thẩm quyền cấp phép mở bến là do Sở Giao thông Vận tải địa phương. Để cấp phép được thì phải có quy hoạch bến nhưng có tỉnh có, tỉnh không nên chưa cấp phép được và vô hình chung lại thành bến không phép. Ngoài ra, còn có bến hoạt động theo mùa vụ như ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ hoạt động khi vào vụ mùa mới có bến hoặc có nhưng bến chỉ hoạt động khi mùa mưa lũ) nên vẫn còn tồn tại nhiều bến không phép.

- Để hạn chế tình trạng tai nạn giao thông đường thủy đang gia tăng như hiện nay, ngành đường thủy có những giải pháp gì?

Ông Trần Văn Thọ: Thời gian tới Cục Đường thủy Nội địa sẽ chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền cho các đối tượng tham gia giao thông; tăng cường công tác kiểm tra, đình chỉ các phương tiện tham gia giao thông không đảm bảo an toàn.

Đối với các đơn vị quản lý tăng cường chấn chỉnh công tác đào tạo bằng, chứng chỉ chuyên môn, nâng cao hạ tầng cơ sở để đáp ứng nhu cầu vận tải; rà soát hệ thống báo hiệu phù hợp và đảm bảo luồng lưu thông an toàn; tăng cường công tác đăng ký các điều kiện an toàn kỹ thuật; lực lượng cảng vụ phải tăng cường công tác điều khiển phương tiện ra vào các bến thủy nội địa.

Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng của chính quyền, công an liên ngành phối hợp tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm trên địa bàn. Doanh nghiệp vận tải cũng phải tăng cường nâng cao trách nhiệm với việc quản lý phương tiện, quản lý người lái, nâng cao trách nhiệm đạo đức của người điều khiển phương tiện; quản lý chặt các bến thủy nội địa hoạt động không phép. Đây là những bến thủy tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông bởi thực tiễn một số phương tiện chở quá tải xuất phát từ các bến này phải dứt khoát đình chỉ các bến này để lập lại trật tự an toàn giao thông.

- Xin cảm ơn ông./.

Tính đến hết ngày 20/3, cả nước xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa, làm chết 10 người, bị thương một người và chìm đắm 25 phương tiện. Con số này so với cùng kỳ năm 2015 đã giảm 7 vụ tai nạn giao thông đường thủy (-21,87%), giảm 6 người chết (-37,5%) và giảm một người bị thương.

Nguyên nhân chủ đạo gây tai nạn do vi phạm các quy định điều khiển phương tiện thủy chiếm 44% (11 vụ), do phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kĩ thuật chiếm 20% (5 vụ) và do các nguyên nhân khác là 36% (9 vụ).

Liên quan đến vụ sà lan tông sập trụ cầu Ghềnh, làm gãy 2 nhịp cầu và tê liệt đường sắt Bắc-Nam, theo một giảng viên giảng dạy môn cơ sở công trình cầu, Khoa Công trình, Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, một số trụ cầu khi thấy khả năng chịu va xô kém thì sẽ làm ụ chống xô (làm vật cản xung quanh các trụ cầu) để khi va chạm thì không ảnh hưởng đến kết cầu cầu.

Tai nạn đường thủy: Vì sao tàu thuyền lại hay đâm va vào cầu? ảnh 3Công tác cứu hộ, khắc phụ sự cố sập cầu Ghềnh vẫn đang được triển khai tại hiện trường. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Hiện tại, thiết kế cầu mới tùy thuộc vào độ tĩnh không, cấp thông thuyền, lưu lượng phương tiện, dòng chảy để thiết kế trụ cầu đồng thời tính toán ụ chống xô. Hiện nay, theo thiết kế xây các cầu mới đều tính toán theo đúng quy trình này.

Vị giảng viên này cũng kiến nghị, để sử dụng các cây cầu lâu năm là thực hiện làm ụ chống xô quang các trụ cầu để làm chệch hướng phương tiện thủy tông thẳng vào cầu và qua đó giảm thiệt hại đến mức đáng kể khi có tác động vào cầu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục