Tai nạn giao thông đường sắt: Có địa phương “trên nóng, dưới lạnh”

Hàng nghìn đường ngang dân sinh vẫn tồn tại trong khi ý thức người dân hạn chế, sự vào cuộc của một số địa phương chưa thực sự quyết liệt khiến tai nạn giao thông đường sắt vẫn phức tạp.
Tai nạn giao thông đường sắt: Có địa phương “trên nóng, dưới lạnh” ảnh 1Hiện trường một vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng. (Ảnh: TTXVN)

Hàng nghìn đường ngang dân sinh vẫn tồn tại trong khi ý thức người dân hạn chế nên tai nạn giao thông đường sắt vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, nhất là sự vào cuộc của một số địa phương chưa thực sự quyết liệt.

“Trên nóng, dưới lạnh”

Báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, hiện trên toàn quốc có 5.564 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó, đường ngang hợp pháp là 1.516 điểm còn đường dân sinh, lối đi dân sinh tự mở là 4.048 điểm (chiếm 74%).

Theo ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban an toàn giao thông đường sắt (VNR), hiện nay trên cả nước bình quân cứ 1,8km đường sắt lại có một vị trí giao cắt đường ngang. Mật độ giao cắt với đường sắt cao, trong khi ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế nên tai nạn giao thông đường sắt vẫn luôn thường trực.

Mặc dù VNR đã rà soát, thống kê, phân loại lối đi dân sinh đồng thời triển khai nhiều giải pháp cụ thể rào kín hay xóa bỏ lối đi dân sinh, cắm biển cảnh báo, cảnh giới tại các đường ngang thế nhưng ông Chiến thừa nhận thực tế, thay đổi nhận thức về việc bảo đảm an toàn giao thông ko chỉ của một ngành, địa phương mà là của toàn xã hội.

“Tuy nhiên, việc triển khai một số giải pháp còn chậm, số lượng lối đi dân sinh rào kín phá bỏ còn ít. Một số địa phương ‘trên nóng dưới lạnh’, trên quyết liệt chỉ đạo nhưng dưới chưa thực hiện, kể cả với một số đơn vị ngành đường sắt,” ông Chiến ngao ngán nói.

Vì thế, vị Trưởng ban an toàn giao thông đường sắt đề nghị quy định trách nhiệm cụ thể với Ủy ban Nhân dân cấp xã về quản lý đường ngang và kiên quyết ko để phát sinh đường ngang dân sinh mới.

[Các đường ngang "tử thần" chiếm 80% các vụ tai nạn đường sắt]

Đại diện Cục cảnh sát giao thông (C67, Bộ Công an) cho rằng, số tai nạn xảy ra tại đường ngang dân sinh hàng năm hơn 60%. Tai nạn giao thông đường sắt không nhiều nhưng thỉnh thoảng nhất là dịp cao điểm xảy ra vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận. Thực tế, có nơi đường ngang dân sinh dân tự mở, khi kiểm tra lại địa phương chưa thực hiện giải tỏa đường ngang nhưng lực lượng chức năng không thể làm gì.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ thẳng thắn nhìn nhận, trên 4.000 lối đi phát sinh là trách nhiệm từ vấn đề quy hoạch, quản lý, chính quyền các cấp có tuyến đường sắt đi qua.

“Đường sắt có hàng trăm năm nay rồi tại sao trước không phát sinh mà bây giờ để phát sinh nhiều thế? Vỉa hè xây nhà chỉ cần đổ vật liệu xây dựng ra buổi sáng là đến chiều bị nhắc nhở. Tại sao nhiều đường ngang phát sinh như vậy mà chính quyền địa phương không có ý kiến gì? Có những vị trí tai nạn giao thông đường sắt xảy ra thường xuyên mà địa phương không hề có giải pháp ngăn chặn?” Thứ trưởng Thọ đặt ra câu hỏi.

“Đói vốn” nên trông chờ người đứng đầu địa phương

Số liệu thống kê của ngành đường sắt cho thấy, tính đến 31/7 vừa qua, VNR đã xóa bỏ được 391 vị trí lối đi tự mở. Trong đó, riêng bảy tháng của năm nay xóa được 234 lối. Đối với các lối đi tự mở không thể thu hẹp được mà chưa được cảnh giới, các đơn vị của VNR đã trực tiếp làm việc với Ban An toàn giao thông các địa phương để cảnh giới.

Theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 là 26.358 tỷ đồng. Do không được bố trí kinh phí, các dự án công trình an toàn giao thông chưa được triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chưa bảo đảm yêu cầu tiến độ.

[VNR: Lái tàu, gác đường ngang, tuần đường phải là nghề nguy hiểm]

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, giai đoạn 2017-2020, ngành đường sắt cần đến 1.700 tỷ đồng để có thể thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang; xây dựng hàng rào cách ly, đường gom để đóng 2.000 lối đi dân sinh và nâng cấp cải tạo 452 đường ngang biển báo thành đường ngang lắp cần chắn tự động.

Tai nạn giao thông đường sắt: Có địa phương “trên nóng, dưới lạnh” ảnh 2Một đường ngang dân sinh trên đường Lê Duẩn khuất tầm nhìn lại không có rào chắn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đánh giá phối hợp giữa các địa phương và ngành đường sắt còn chưa đầy đủ, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, ngành đường sắt xác định thứ tự ưu tiên vì không thể có vài chục nghìn tỷ đồng để triển khai được ngay.

Trước mắt, ông Hùng cho rằng, đường gom dọc hành lang an toàn giao thông đường sắt có tổng số 400km. Với 1.700 tỷ đồng được phân bổ nên chia thành 2 giai đoạn trong đó trước năm 2020 làm 150km (khoảng 700 tỷ đồng), các năm sau làm phần còn lại.

“Khi để phát sinh lối đi cắt ngang đường sắt, chính quyền xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm, thậm chí phải truy trách nhiệm người đứng đầu địa phương,” vị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh.

Về kinh phí phục vụ công tác an toàn giao thông đường sắt, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, tại các địa phương sẽ dùng một phần quỹ bảo trì đường bộ để làm gờ giảm tốc, làm rào chắn tại các đường ngang. Ngoài ra, địa phương có thể giữ lại một phần nguồn thu từ xử phạt vi phạm giao thông phục vụ cho công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

Thừa nhận hạ tầng đường sắt vẫn còn chắp vá, ít nguồn tiền để sửa chữa bảo dưỡng trong khi vẫn phải đảm bảo tốc độ chạy tàu, Thứ trưởng Thọ cho biết, dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam sẽ cố gắng trình Quốc hội thông qua nhưng cũng không thể bỏ đường sắt mang tính kết nối nội vùng. Đường sắt cao tốc muốn đầu tư phải 10-20 năm nữa.

Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, VNR đánh giá, rà soát quy chế phối hợp với các địa phương nhất là khi luật đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 tới đây, đặc biệt không tách rời vai trò trách nhiệm của các địa phương với mục tiêu không tăng mà giảm sâu về tai nạn giao thông đường sắt trên cả 3 tiêu chí./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục