“Tai nạn giao thông hiện nay là một thảm họa, vấn nạn xã hội”

Với mục tiêu giảm thiểu những nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông, Ngày hội an toàn giao thông đã được tổ chức nhằm nâng cao hiểu biết về an toàn giao thông cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc.
“Tai nạn giao thông hiện nay là một thảm họa, vấn nạn xã hội” ảnh 1Mũ bảo hiểm mới dành cho đồng bào dân tộc Thái ở các tỉnh Tây Bắc. (Ảnh: Huy Hùng/TTVN)

Sáng 31/10, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Quỹ An toàn giao thông và Phát triển cộng đồng (TCF) tổ chức Ngày hội an toàn giao thông đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc tại tỉnh Sơn La.

Đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng để đông đảo đoàn viên, thanh niên, người tham gia giao thông được tiếp cận những nội dung, thông điệp về an toàn giao thông, qua đó nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh, an toàn.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, trong thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã giảm mạnh cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Năm 2014 là năm đầu tiên số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới 9.000 người.

Theo ông Khuất Việt Hùng, trong giai đoạn 2010-2014 và mười tháng năm 2015, khu vực Tây Bắc đã xảy ra 10.122 vụ tai nạn, làm chết 4.968 người, bị thương 10.906 người. So sánh với cả nước khu vực Tây Bắc chiếm 5,11% về số vụ; 8,6% về số người chết; 5,3% số người bị thương.

So sánh với 15 tỉnh khu vực Miền núi phía Bắc, khu vực Tây Bắc chiếm 38,5% về số vụ; 34,6% số người chết và 41,8% số người bị thương. Có 2/6 tỉnh giảm số người chết vì tai nạn giao thông liên tục trong giai đoạn là Hòa Bình và Yên Bái.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông của khu vực này, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, hiểu biết pháp luật về an toàn giao thông của người dân, đồng bào dân tộc khu vực nông thôn miền núi còn hạn chế, nhất là người điều khiển xe máy tập trung chủ yếu ở những lỗi vi phạm như: lái xe sau khi đã uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, chở quá số người quy định, thiếu hệ thống biển báo và thiết bị bảo đảm an toàn giao thông.

“Bên cạnh đó, nhận thức trách nhiệm của một số lãnh đạo, chính quyền địa phương còn chưa đầy đủ; đồng bào các dân tộc còn nhiều phong tục tập quán còn lạc hậu dẫn đến khó khăn cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông,” vị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhìn nhận.

“Tai nạn giao thông hiện nay là một thảm họa, vấn nạn xã hội” ảnh 2Trao tặng 6.000 mũ bảo hiểm cho đồng bào dân tộc 6 tỉnh Tây Bắc. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Phát biểu hưởng ứng Ngày hội an toàn giao thông đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc, ông Cần Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La thẳng thắn nhìn nhận, tai nạn giao thông ​ở Việt Nam hiện nay là một thảm họa, là vấn nạn xã hội, tạo gánh nặng cho sự phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Tại ngày hội, đại diện lãnh đạo các tỉnh thành và Ban An toàn giao thông địa phương cam kết nâng cao và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, giảm thiểu những nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông…

Trong chương trình Ngày hội an toàn giao thông đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hệ thống thông tin FPT cũng đã trao tặng 6.000 mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho 6 tỉnh Tây Bắc (mỗi tỉnh 1.000 mũ); Cục Đường thủy Việt Nam và Công ty vận tải Thiên Thảo Nguyên, Galaxy Thiên Hà, Vic Taxi tặng 500 áo phao…/.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tai nạn giao thông mười tháng năm 2015 đã có những kết quả tích cực, toàn quốc xảy ra 18.437 vụ, làm chết 7.185 người, làm bị thương 16.755 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 2.364 vụ (-11,36%), giảm 290 người chết (-3,88%), giảm 3.218 người bị thương (-16,11%).

Trong mười tháng của năm 2015, khu vực Tây Bắc xảy ra 618 vụ tai nạn giao thông, làm chết 310 người, bị thương 633 người. So sánh cùng kỳ giảm 131 vụ (-17,5%); giảm 32 người chết (-9,4%); giảm 230 người bị thương (-26,7%). So với cả nước chiếm 3,3% số vụ; 4,3% về số người chết; 3,3% số người bị thương.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục