Tai nạn xe khách ám ảnh trên những cung đường

Tai nạn giao thông vẫn đang là vấn đề nhức nhối khi liên tiếp trong những tháng vừa qua, số người chết và bị thương vẫn không ngừng tăng. Chỉ riêng trong tháng 6/2011, đã xảy ra hơn 1.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 890 người, bị thương 778 người.

Đáng chú ý là sự gia tăng số vụ đặc biệt nghiêm trọng và có tới 80% số này là do xe khách gây ra, nguyên nhân chủ yếu do chạy quá tốc độ, tránh vượt sai qui định để tranh giành khách. Thực tế này đang gióng hồi chuông về việc chấp hành luật pháp và đào tạo lái xe.
Liên tiếp trong những tháng vừa qua, trên địa bàn cả nước đã liên tục xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đối với xe khách, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Với mỗi hành khách, mỗi khi lên xe, qua từng cung đường, nỗi lo bị mất sinh mạng luôn rình rập. Ranh giới mong manh của sự sống và cái chết phụ thuộc rất nhiều vào việc chấp hành luật pháp và đạo đức của lái xe.

80% tai nạn nghiêm trọng do xe khách
 
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, 6 tháng đầu năm 2011, cả nước xảy ra 23.065 vụ tai nạn, làm chết 5.662 người, bị thương 25.662 người.

Đặc biệt, trong tổng số các vụ tai nạn, có 53 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 166 người chết, 185 người bị thương, trong đó có 6 vụ tai nạn nghiêm trọng do xe khách và 27 vụ tai nạn do mô tô.

Theo báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Tổng cục Đường bộ, tai nạn giao thông đường bộ hàng năm từ 2007 đến nay nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chấp hành quy tắc giao thông đường bộ như đi sai phần đường, tránh vượt sai quy định, vi phạm tốc độ, chuyển hướng không quan sát, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật...

Theo đó, các vụ tại nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng chủ yếu thuộc về lỗi vi phạm chạy quá tốc độ, tránh vượt sai qui định để tranh giành khách.

Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ-Đường sắt (Bộ Công An) cũng cho thấy có tới 80% số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe khách gây ra, chủ quản lý xe là tư nhân; 97% số vụ do vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định, thiếu chú ý quan sát.

Báo cáo sơ kết Nghị quyết 32 cũng chỉ ra rằng, hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ tuy đã được nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo nhưng chưa đáp ứng được sự gia tăng nhanh của các phương tiện tham gia giao thông.

Cụ thể, tuyến Quốc lộ 1A là tuyến giao thông huyết mạch của cả nước có lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông lớn, mặc dù tổng số vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A đã giảm dần từ năm 2007. Tuy nhiên, tại một số địa phương có tuyến đi qua, tai nạn giao thông vẫn chiếm tỷ lệ lớn, 35-40%, và vẫn gia tăng ở các tỉnh như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa, Phú Yên ... Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do chủ quan của người điều khiển phương tiện.

Cần tăng cường giáo dục đạo đức lái xe

Mặc dù các ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn, số người chết và bị thương. Tuy nhiên, những nỗ lực đó dường như “muối bỏ bể”, vì số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra và còn có chiều hướng gia tăng.

Thượng tá Trần Sơn, Phó phòng hướng dẫn tuyên truyền luật giao thông, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (Bộ Công An) cho biết: “Nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đều do ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông, đó là không làm chủ tốc độ, đi không đúng phần đường quy định, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện.

“Điều đó cho thấy, việc đào tạo, giáo dục đạo đức đội ngũ lái xe vẫn đang là một vấn đề cần được quan tâm cấp bách,” Thượng tá Sơn chia sẻ.

Các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian qua đều xảy ra với xe khách tư nhân. Ngoài nguyên nhân trực tiếp lái xe không chấp hành luật giao thông thì vấn đề quản lý vận tải còn nhiều bất cập đặc biệt là quản lý đội ngũ lái xe.

Thượng tá Sơn đưa ra dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp, chủ xe đã quá dễ dãi trong việc tuyển dụng lái xe, thậm chí tuyển dụng cả lái xe điều khiển loại xe không đúng yêu cầu của luật giao thông đường bộ. Khi điều khiển xe với sức ép về mức khoán, quay vòng xe nhanh để thu lợi nhuận cao nên lái xe đã chở quá tải, phóng nhanh vượt ẩu, đua tốc độ tranh giành khách…

Ông Thân Văn Thanh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho rằng trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng gần đây, một điểm chung là tai nạn thường xảy ra vào buổi đêm và sáng sớm.  Đây là thời điểm thường vắng sự giám sát của lực lượng chức năng, cũng là lúc lái xe thường mỏi mệt, buồn ngủ.

“Hiện nay, nhiều chủ xe không bố trí nhân lực phù hợp trong quá trình điều khiển phương tiện qua đêm và quá lâu trên hành trình. Khi xảy ra tai nạn, lái xe là người chịu hết trách nhiệm. Xe bị hỏng hóc đã có bảo hiểm nên chủ xe không lo lắng nhiều,” ông Thanh cho hay.

Ngoài ra, việc quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông còn nhiều thiếu sót và khuyết điểm đã khiến nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra.

Thượng tá Sơn chỉ ra bất cập: “Hiện nay, vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện cũng đang có nhiều bất cập, gian lận và bớt xén thời gian học.”

Đưa ra dẫn chứng, Thượng tá Sơn cho rằng, việc cấp bằng lái xe B2 phải học tập trung trong vòng 3 hay 6 tháng. Trong trường dạy phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí như học bao nhiêu giờ lý thuyết, bao nhiêu giờ luật giao thông, thực hành, cấu tao ôtô…

“Các trung tâm sát hạch 'trăm hoa đua nở' vì lợi nhuận nên đã cắt xén các chương trình đào tạo. Khi thi thì 'móc ngoặc' bên trong nên khả năng có giấy phép là điều hoàn toàn dễ hiểu,” ông Sơn nhận định.

Mặc dù hàng năm, các xe đều được kiểm định để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, vấn có một số trường hợp đã thuê, mượn các thiết bị, phụ tùng bên ngoài để qua mặt công tác sát hạch.

Đối với hành khách, Thượng tá Sơn khuyến cáo người tham gia giao thông bằng xe ôtô khách hãy là một hành khách thông minh, phải biết chọn phương tiện vào bến mua vé đảm bảo quyền lợi. Không nên đón xe ngoài để tránh tình trạng xe “dù” bến “cóc.”

Đồng tình quan điểm đó, ông Thân Văn Thanh cũng đưa ra biện pháp cơ cấu lại tổ chức vận tải bằng cách, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thống nhất lại với nhau theo cách gom hành khách tại các điểm nhỏ lẻ đến bến xe để các tập đoàn vận tải đảm bảo kinh doanh

Tuy nhiên, “trước mắt, những người tham gia giao thông phải biết tự bảo vệ mình, có trách nhiệm với bản thân, với cả cộng đồng. Việc đảm bảo an toàn giao thông không chỉ của ngành giao thông, công an mà còn là sự vào cuộc và trách nhiệm của toàn xã hội.” theo Thượng tá Sơn./.

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ-đường sắt, chỉ riêng trong tháng 6 vừa qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra hơn 1.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 890 người, bị thương 778 người.

Trong đó, có 11 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 41 người, bị thương 32 người.

Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục