“Tam giác di sản” - Cánh cửa mở rộng hợp tác phát triển du lịch

Dự án “Tam giác di sản” đã được khởi động từ năm 2006, từ đây quan hệ hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Ninh (Việt Nam)-Luang Prabang (Lào)-Udonthani (Thái Lan) đã được hình thành và phát triển.
“Tam giác di sản” - Cánh cửa mở rộng hợp tác phát triển du lịch ảnh 1Một góc Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Theo ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, không gì nhanh hơn để đưa những hình ảnh về du lịch Quảng Ninh đến bạn bè trên thế giới bằng con đường mở rộng cánh cửa hợp tác quốc tế phát triển du lịch giữa Quảng Ninh với các nước trên thế giới, trước mắt là tập trung ở thị trường trong khu vực các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Dự án “Tam giác di sản” đã được khởi động từ năm 2006, từ đây mối quan hệ trong hợp tác phát triển du lịch giữa ba tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam)-Luang Prabang (Lào)-Udonthani (Thái Lan) đã được hình thành và phát triển.

Trên thực tế, tiềm năng du lịch của ba tỉnh, nơi có các di sản thế giới là Vịnh Hạ Long, Luang Prabang, Ban Chiang được UNESCO công nhận là rất lớn, các sản phẩm du lịch của mỗi địa phương cũng hết sức độc đáo. Sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa ba địa phương sẽ góp phần tạo lập được mạng lưới du lịch hấp dẫn trong “Tam giác di sản” Vịnh Hạ Long-Luang Prabang-Ban Chiang.

Tuy nhiên, các nội dung triển khai thực hiện trong thời gian qua mới chỉ là một phần nhỏ so với kế hoạch đề ra. Các hoạt động tiếp thị và quảng bá chưa được quan tâm tổ chức triển khai, đồng thời chưa khuyến khích được sự vào cuộc của các doanh nghiệp du lịch các bên.

Năm 2014, tỉnh Quảng Ninh đón khoảng 1.700 lượt khách Lào và khoảng 30.000 lượt khách Thái Lan. Con số này còn quá khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh Quảng Ninh.

Mối quan hệ hợp tác giữa ba địa phương thực sự có bước tiến lớn từ năm 2014 trở lại đây khi các địa phương đã xây dựng được chương trình hành động cụ thể cho dự án “Tam giác di sản.” Để đạt được mục tiêu đề ra, ba địa phương đang cùng tích cực hợp tác triển khai các nội dung trong Kế hoạch hành động để cùng thúc đẩy du lịch, quảng bá điểm đến trên toàn khu vực và quốc tế, cùng hướng về mục tiêu chung, đó là “ba di sản-một điểm đến.”

Thực hiện chương trình hành động này, từ năm 2014-2015 tỉnh Quảng Ninh thường xuyên mời đoàn đại biểu và nghệ thuật tỉnh Udonthani và Luang Prabang tới tham dự và biểu diễn nghệ thuật tại lễ hội Carnaval Hạ Long, một sự kiện điểm nhấn được tổ chức thường niên tại tỉnh Quảng Ninh nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước và con người, những nét văn hóa đặc sắc của nhân dân tỉnh Quảng Ninh tới bạn bè trong và ngoài nước.

Đại diện ba tỉnh Quảng Ninh, Udonthani, Luang Prabang cũng đã nhiều lần cử đoàn đại biểu cấp cao do lãnh đạo các tỉnh làm trưởng đoàn tham gia các buổi hội đàm đa phương, song phương, các bên đã đánh giá cao nỗ lực hợp tác, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp du lịch các địa phương cùng nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác và thiết kế tuyến du lịch trong “tam giác di sản”.

Thái Lan là quốc gia có nhiều tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, quản lý điểm du lịch, mỗi xã làng một sản phẩm, du lịch xanh... Trong khuôn khổ hợp tác, tháng 2/2015 tỉnh Udonthani đã xây dựng chương trình đào tạo nhân lực du lịch và mời hai tỉnh Quảng Ninh và Luang Prabang cử học viên tham dự. Mục tiêu của khóa đào tạo nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động kết nối giữa các khu di sản, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, văn hóa nghệ thuật giữa ba quốc gia Việt Nam, Lào, Thái Lan, đồng thời phát triển nguồn nhân lực du lịch góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh Trịnh Đăng Thanh, thời gian qua, hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh Udonthani, Luang Prabang vẫn còn hạn chế. Các hoạt động về phối hợp tiếp thị và xúc tiến du lịch chưa được triển khai sâu rộng, chưa hình thành được tuyến du lịch di sản kết nối giữa ba tỉnh; chưa tổ chức được các hoạt động nghiên cứu khảo sát cho giới truyền thông, báo chí, lữ hành nước ngoài để quảng bá tuyến di sản thế giới như điểm đến du lịch; chưa tạo lập được sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp du lịch ba bên.

Nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch hơn nữa giữa ba tỉnh có các di sản thế giới là Vịnh Hạ Long, Ban Chiang, Luang Prabang, các địa phương có di sản cần có nhiều hoạt động thiết thực. Các bên cần thống nhất để có cơ chế, chính sách tạo điều kiện quảng bá du lịch các bên trên các phương tiện thông tin đại chúng của ba nước, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi có nhu cầu đầu tư và kinh doanh tại nước đối tác.

Theo các chuyên gia lĩnh vực du lịch, các bên cũng cần nỗ lực, khuyến khích các doanh nghiệp cùng nghiên cứu hình thành tuyến du lịch di sản kết nối giữa ba tỉnh; sớm nghiên cứu thiết kế logo tam giác di sản Luang Prabang-Vịnh Hạ Long-Ban Chiang phục vụ cho công tác tiếp thị và quảng bá chung ba điểm; kết nối hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch các tỉnh để khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch trong việc xây dựng và hình thành tuyến du lịch di sản; kết nối hợp tác các cơ quan truyền thông các tỉnh, cụ thể như hợp tác giữa đài truyền hình địa phương của ba tỉnh về việc tuyên truyền thông tin quảng bá du lịch của ba miền di sản thế giới trên.

Tỉnh Quảng Ninh sẽ tạo điều kiện tối đa để ngành du lịch và các doanh nghiệp lữ hành của các tỉnh bạn tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, kết nối tour, tuyến du lịch, đầu tư giữa các điểm đến của tỉnh Luang Prabang-Udonthani-Quảng Ninh. Hy vọng trong năm 2016, tỉnh Udonthani sẽ hỗ trợ Quảng Ninh các khóa đào tạo về quản lý du lịch và quản lý điểm đến, tư vấn phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch mỗi xã phường một sản phẩm... đang là thế mạnh của Thái Lan.

Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và được vinh danh là Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới cùng với Vịnh Bái Tử Long tạo nên quần thể với hơn 2.000 hòn đảo lớn nhỏ là nguồn tài nguyên du lịch nổi bật, đặc sắc vào bậc nhất cả nước và trên thế giới. Tỉnh còn có danh thắng Yên Tử và hơn 600 di tích lịch sử danh lam thắng cảnh.

Phát huy lợi thế, tỉnh đã tăng cường mở rộng quan hệ với nhiều nước trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt, thời gian qua, hoạt động xúc tiến du lịch cũng có những chuyển biến rõ nét, mang tính chuyên nghiệp hơn. Quảng Ninh đang tập trung vào một số thị trường như Đông Bắc Á, các nước trong khu vực Đông Nam Á; liên kết với các nước trong diễn đàn Du lịch Đông Á (EATOF) để phối hợp quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch của các bên, đưa hình ảnh du lịch Quảng Ninh-Hạ Long đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đây chính là con đường mở rộng cánh cửa hợp tác quốc tế phát triển du lịch giữa Quảng Ninh với các nước trong khu vực, nhất là trong khu vực Đông Nam Á, cũng là cách thức để Quảng Ninh tuyên truyền các tiềm năng thế mạnh về du lịch của các quốc gia ASEAN tới người dân để cùng hướng về một ASEAN phát triển thịnh vượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục