Tầm quan trọng của quy hoạch biển đảo đối với tương lai

Hội nghị quy tụ hơn 200 đại biểu và chuyên gia đến từ nhiều quốc gia từ khắp các châu lục, các tổ chức quốc tế và các giảng viên, chuyên gia nghiên cứu từ các trường đại học lớn trên thế giới.
Tầm quan trọng của quy hoạch biển đảo đối với tương lai ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Viator.com)

Trong 3 ngày từ 15-17/3, UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc) phối hợp với Ủy ban châu Âu (EC) đã tổ chức Hội nghị quốc tế về quy hoạch không gian biển (MSP).

Các phiên thảo luận của hội nghị đã diễn ra tại trụ sở của UNESCO tại Paris, Pháp.

Hội nghị quy tụ hơn 200 đại biểu và chuyên gia đến từ nhiều quốc gia từ khắp các châu lục, các tổ chức quốc tế và các giảng viên, chuyên gia nghiên cứu từ các trường đại học lớn trên thế giới.

Mục đích của hội nghị là xem xét lại hiện trạng và những tiến bộ đạt được trong giai đoạn 2006-2016 (kể từ hội nghị quốc tế về MSP lần thứ nhất năm 2006), đưa ra những ví dụ cụ thể về việc thực hiện tốt MSP trong đó có việc hợp tác bảo vệ hệ sinh thái môi trường biển và thúc đẩy phát triển kinh tế, thảo luận về việc sử dụng MSP cho các mục tiêu điều phối đại dương chung, xác định thực trạng các thể chế phục vụ công tác MSP và những ưu tiên đối với MSP giai đoạn 2017-2027.

Nhận thức được tầm quan trọng của MSP, các phiên làm việc của hội nghị đã tập trung thảo luận về các chủ đề lớn như: Hiện trạng và xu hướng MSP cùng bài học từ thực tiễn, cam kết của các quốc gia, sự kết nối giữa MSP với các mục tiêu toàn cầu về điều hành và điều phối đại dương; MSP với hợp tác giữa các vùng biên giới biển, MSP và thực tiễn đối với công tác nghiên cứu khoa học, MSP hướng đến tăng trưởng bền vững xanh; Năng lực các thể chế có thể phục vụ phát triển MSP; MSP dưới góc nhìn luật pháp quốc gia và những ưu tiên của MSP trong thập niên sắp tới.

Trong phần thảo luận, các diễn giả đã trả lời các câu hỏi của điều phối viên hội nghị cũng như các câu hỏi khác liên quan tới thực trạng MSP, những thách thức đối với việc thực hiện và áp dụng MSP cũng như các vấn đề liên quan tới các đường biên giới trên biển….

Các nội dung đề cập đến tình hình áp dụng MSP của các quốc gia thời gian qua và đưa bộ quy tắc định hướng của UNESCO đối với MSP vào thực tiễn.

Các phần trả lời và trình bày bổ sung của các diễn giả cho thấy tính hữu ích và tầm quan trọng của MSP trong việc quản lý, khai thác và phát triển các vùng biển và không gian biển. Vai trò quan trọng của các tổ chức quốc tế và khu vực, các cường quốc trong việc thực hiện MSP.

Hội nghị cũng nêu ra những khó khăn trong việc thực hiện MSP thời gian qua như nhiều khi các bộ ngành chưa sẵn sàng và thống nhất với nhau, nhiều cấp hành chính, có những mâu thuẫn, chồng chéo trong công tác quản lý biển…

Nhiều đại biểu cũng chia sẻ những thách thức trong công tác MSP trong thời gian tới.

Đó là các vấn đề bảo vệ hệ sinh thái, vùng bảo tồn, vùng hoạt động của con người. Sự thiếu hiểu biết của dân chúng và ngay cả các nhân viên công vụ.

Sự suy giảm và nghèo hóa của các nguồn lợi từ biển.

Làm sao tạo ra các cơ chế hợp tác tin cậy, tập hợp nhau lại trên thế giới khi mà sự phát triển không đồng nhất. Cơ chế chia sẻ thông tin và hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau….

Tổng kết lại, hội nghị nêu bật tầm quan trọng của MSP không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà cả đối với tương lai, thậm chí đến năm 2050.

Thực hiện tốt MSP cho phép đảm bảo phát triển một không gian biển và đại dương xanh và bền vững.

Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về việc tham gia sáng kiến của UNESCO về MSP.

Tại hội nghị lần này, Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã trình bày tham luận với nội dung “Năng lực xây dựng và áp dụng MSP, những bài học từ Việt Nam.”

Nhiều nội dung trong phần tham luận của Việt Nam được hội nghị đánh giá cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục