Tận dụng các lợi thế trong quy hoạch phát triển vùng bền vững

Quy hoạch phát triển vùng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tập trung xem xét các vấn đề biến đổi khí hậu đa ngành, đáp ứng nhu cầu của nhiều bên liên quan.
Tận dụng các lợi thế trong quy hoạch phát triển vùng bền vững ảnh 1Người dân ấp Tân Thị, xã Thanh Hải, Bến Tre chuyển từ trồng lúa sang trồng cỏ nuôi bò để thích ứng với biến đổi khí hậu. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Để đạt được sự phát triển vùng bền vững và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua quy hoạch chiến lược vùng, đòi hỏi có sự thay đổi trong khung thể chế quy hoạch vùng hiện tại, với một cơ chế cho sự quản lý tổng hợp và hợp tác phát triển trong mọi lĩnh vực của một vùng; đảm bảo một liên kết hiệu quả giữa quy hoạch phát triển kinh tế và đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như sự phân bố tối ưu về không gian cho các hoạt động phát triển kinh tế và xã hội.

Thành lập Ban Điều phối phát triển vùng

Do những quyết định chung ở cấp vùng cần được dựa trên các phân tích kỹ thuật và khuyến nghị, đồng thời phải được thực hiện nhằm đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan, cần có một Ban Điều phối phát triển vùng với sự hỗ trợ của một Trung tâm nghiên cứu phát triển vùng để cung cấp thông tin cập nhật và đáng tin cậy cho tất cả các bên liên quan cùng ra quyết định, đồng thời, điều phối và tổ chức các đối thoại chính sách về các vấn đề quan trọng trong phát triển vùng.

Các nội dung về biến đổi khí hậu có thể là khởi đầu cho các đối thoại chính sách ở cấp vùng.

Dựa trên cơ sở dữ liệu và nghiên cứu về biến đổi khí hậu được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu phát triển vùng, Ban Điều phối phát triển vùng có thể chủ trì việc lập và cập nhật thường xuyên Quy hoạch chiến lược phát triển vùng bao gồm ba hợp phần chính.

Đó là khung chiến lược phát triển vùng cung cấp tầm nhìn chung và định hướng chiến lược cho sự phát triển bền vững của vùng; các chiến lược phát triển vùng là các giải pháp chiến lược phát triển vùng và sự phân bố không gian tối ưu của các hoạt động kinh tế và xã hội trong vùng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; kế hoạch đầu tư đa ngành cho phát triển vùng bao gồm danh sách các dự án đầu tư xây dựng ở cấp vùng, được thực hiện bởi các bên liên quan với sự điều phối của Ban Điều phối phát triển vùng.

Việc cải thiện quá trình trao đổi thông tin và phối hợp giữa các bên liên quan nên kết hợp với các chương trình nâng cao năng lực bao gồm các khóa tập huấn cho các lãnh đạo về lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu trong quy hoạch chiến lược vùng, tăng cường sự cam kết của lãnh đạo các tỉnh đối với phát triển vùng bền vững và giới thiệu cách tiếp cận sáng tạo trong lập và thực hiện quy hoạch vùng với sự tham gia của các bên liên quan.

Nguồn lực cho nghiên cứu và nâng cao năng lực quy hoạch vùng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu có thể được huy động từ các nhà tài trợ quốc tế thông qua hỗ trợ kỹ thuật, việc tổ chức các đối thoại chính sách về quy hoạch phát triển vùng bền vững có thể huy động sự đóng góp của các tỉnh và các nhà đầu tư tư nhân, những người sẽ được hưởng lợi trong quá trình quy hoạch vùng.

Quản trị địa phương sáng tạo

Tiến sỹ Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (UN-HABITAT Việt Nam) cho rằng chìa khóa thành công cho sự phát triển của một vùng là khả năng sáng tạo của vùng. Vì vậy, năng lực của vùng để khuyến khích sự sáng tạo cần được tăng cường với các nguyên tắc về “quản trị địa phương sáng tạo,” tạo điều kiện cho sự đa dạng và hiểu biết lẫn nhau giữa các bên liên quan, các đối thoại chính sách ở cấp vùng và nâng cao năng lực để hỗ trợ sáng tạo và thử nghiệm.

Để gắn kết các nỗ lực về quy hoạch và phát triển vùng bền vững với những nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, cách tiếp cận “quản trị địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu” cần được xem xét và áp dụng.

Điều quan trọng là quản trị địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu cần thúc đẩy cơ cấu quản trị linh hoạt và có sự tham gia của các bên liên quan, chuyển đổi từ tư duy quản lý cục bộ địa phương sang tư duy hệ thống (xem xét vấn đề ở nhiều cấp độ hộ gia đình, lưu vực sông, vùng ...)

Các chiến lược thích ứng cần được xây dựng ở nhiều quy mô khác nhau như hộ gia đình, tỉnh, đô thị và vùng, đặc biệt chú trọng đến sự tương tác giữa các các tỉnh thành trong vùng.

Bên cạnh chiến lược và các dự án dài hạn, cũng cần xem xét các chiến lược và dự án trong ngắn hạn và trung hạn, đặc biệt là sự đóng góp của các chiến lược và dự án này vào việc nâng cao năng lực thích ứng trong dài hạn.

Cơ sở dữ liệu để xây dựng chiến lược cũng cần phải được cải thiện với sự kết hợp các kiến thức của cộng đồng và kiến thức của chuyên gia, đặc biệt là các dự báo phát triển và mức độ tổn thương trong tương lai.

Cuối cùng, cần kết hợp các biện pháp thích ứng chính thức và không chính thức và phối hợp sáng tạo giữa các công cụ nhằm thích ứng hiệu quả hơn.

Khác với quy trình quy hoạch phát triển kinh tế xã hội thông thường, quy hoạch vùng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tập trung xem xét các vấn đề biến đổi khí hậu đa ngành và đáp ứng nhu cầu của nhiều bên liên quan.

Do quy trình và phương pháp luận quy hoạch truyền thống không giải quyết được một cách đầy đủ các vấn đề về môi trường có thể tác động ngược trở lại đến sự tăng trưởng kinh tế, cũng như những thách thức mới về đô thị hóa và biến đổi khí hậu của các vùng, việc giới thiệu và áp dụng các công cụ và phương pháp phù hợp thông qua đổi mới hệ thống quy hoạch và quản trị sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu là điều cần thiết để tận dụng các lợi thế của vùng, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển vùng bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục