Tăng cơ hội sống

Cơ hội sống của bệnh nhân ung thư vú ngày càng cao

Khoảng 88% phụ nữ ung thư vú trong thời gian từ 2000-2006 qua quá trình điều trị đã kéo dài thời gian sống thêm ít nhất là 5 năm.


Mặc dù số lượng phụ nữ Australia bị mắc căn bệnh ung thư vú ngày càng tăng cao, tuy nhiên số lượng các ca tử vong vì căn bệnh nguy hiểm này ngày càng giảm rõ rệt.

Kết quả trên do Viện Sức khoẻ và Phúc lợi Australia (AIHW) đưa ra, cho thấy năm 2006, trung bình mỗi ngày có khoảng 35 phụ nữ được chẩn đoán ung thư vú và có tới 7 người trong số đó bị tử vong.

AIHW cho biết thêm rằng con số kỷ lục 12.614 phụ nữ Australia được phát hiện mắc ung thư vú vào năm 2008 có thể sẽ tăng lên thành 15.000 trường hợp trong năm 2015.

Tiến sỹ Helen Zorba, Giám đốc điều hành Trung tâm ung thư buồng trứng và vú quốc gia (NBOCC) nhận định trong khi các trường hợp mắc bệnh tăng cao, thì số điều trị thành công lại có chiều hướng tích cực.

Theo bà, số phụ nữ mắc ung thư vú hàng năm tăng cao hơn 2 lần trong vòng 25 năm qua, tuy nhiên việc tăng này có chiều hướng phụ thuộc vào độ tuổi dân số và các chương trình điều trị hiệu quả.

Bà Zorba cho rằng việc chẩn đoán, phòng ngừa căn bệnh này đóng vai trò hết sức quan trọng. Căn bệnh ung thư vốn được coi là "bạn đồng hành với tử thần", tuy nhiên, các số liệu công bố gần đây cho thấy nhiều phụ nữ sau khi được điều trị đã có thể kéo dài sự sống của họ thêm nhiều năm. Có khoảng 88% phụ nữ ung thư vú trong thời gian từ 2000-2006 qua quá trình điều trị đã có thể kéo dài thời gian sống thêm ít nhất là 5 năm.

"Tỷ lệ bệnh nhân sống được cải thiện sẽ đưa ra nhiều hy vọng đối với số phụ nữ đang điều trị hiện nay và nếu được điều trị sớm họ sẽ giảm thiểu hiệu quả khả năng tử vong do căn bệnh này gây ra", tiến sỹ Zorbas khẳng định.

Số liệu công bố cho thấy, số lượng 2618 phụ nữ bị tử vong do căn bệnh ung thư vú tại Australia trong năm 2006 hiện đang giảm rõ rệt với tỷ lệ 22 trường hợp chết trong tổng số 100.000 phụ nữ. Như vậy, số ca tử vong giảm hơn 1/4 so với giai đoạn từ 1994-2006.  Tuy nhiên, số lượng phụ nữ người bản địa lại có nguy cơ sống sót ít hơn so với các thành phần dân số khác bởi điều kiện thu nhập và hoàn cảnh sống của họ. Chỉ có khoảng 65% trong số này sau điều trị sống thêm 5 năm.

Mặc dù số lượng bệnh nhân nữ ung thư vú tăng cao thì dường như nam giới lại ít khi bị mắc căn bệnh này. Chỉ có 102 người đàn ông từng tham gia điều trị ung thư ngực trong năm 2006 và chỉ có 25 người trong số họ bị tử vong./.
Tuấn Anh/Sydney(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục