Tăng cường công tác an toàn lao động, chủ động giải quyết tranh chấp

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có Công điện đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác an toàn lao động, ổn định tình hình lao động, việc làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Tăng cường công tác an toàn lao động, chủ động giải quyết tranh chấp ảnh 1Hiện trường một vụ sập giàn giáo tại Hà Tĩnh. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có Công điện số 01/CĐ-LĐTBXH đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác an toàn lao động, ổn định tình hình lao động, việc làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo Công điện, trong thời gian gần đây, trên cả nước đã xảy ra một số vụ việc mất an toàn lao động khá nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và của. Quan hệ lao động tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phức tạp nảy sinh.

Nhằm tăng cường công tác an toàn lao động, chủ động giải quyết các tranh chấp lao động trong những tháng đầu năm, nhất là trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ liên quan chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc quyền quản lý tăng cường tự kiểm tra và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động; cử và phân công người trực trong dịp Tết để đảm bảo xử lý kịp thời khi có tai nạn, sự cố lao động xảy ra.

Các cơ quan chức năng rà soát, tiến hành thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động và phòng, chống cháy nổ tại các công trình xây dựng tiếp giáp với các khu đông dân cư, các đường giao thông đông người đi lại, các công trình xây dựng ngầm, các mỏ khai thác hầm lò, các công trình vui chơi công cộng, các tuyến cáp treo vận chuyển người, trong công tác hàn, sản xuất vật liệu xây dựng... Yêu cầu người sử dụng lao động tiến hành khắc phục ngay đối với những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ. Khi có các sự việc nghiêm trọng xảy ra, tổ chức xử lý theo thẩm quyền và báo cáo nhanh thông tin về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở việc đảm bảo an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ xảy ra tại nơi làm việc.

Đối với lĩnh vực tiền lương quan hệ lao động, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ; phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở xây dựng phương án thưởng trong dịp Tết, bảo đảm thực hiện đầy đủ các chế độ, quyền lợi của người lao động; có biện pháp quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán như sắp xếp bố trí lịch làm việc, lịch trực lao động sản xuất phù hợp, hỗ trợ phương tiện đi lại cho người lao động về quê và quay trở lại làm việc sau Tết... Đồng thời, tăng cường đối thoại tại các doanh nghiệp, chủ động phòng ngừa không để tranh chấp lao động và đình công xảy ra.

Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương nắm tình hình, phối hợp xử lý trong trường hợp xảy ra tình trạng công nhân ngừng việc, đình công; hỗ trợ các bên sớm ổn định, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trở lại bình thường; có biện pháp ngăn ngừa và xử lý kịp thời cá nhân lợi dụng tình hình kích động, lôi kéo người lao động ngừng việc, đình công, vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục