Tăng cường kiểm tra việc dùng kháng sinh trong nuôi tôm

VASEP kiến nghị cần có các biện pháp khẩn cấp kiểm tra việc sử dụng Oxytetracyline trong nuôi tôm để đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu sang EU.
Tăng cường kiểm tra việc dùng kháng sinh trong nuôi tôm ảnh 1 Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trước nguy cơ thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang EU có thể sẽ bị áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường chỉ tiêu Oxytetracyline (loại thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn), Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa kiến nghị lên Tổng cục Thủy sản đề nghị có các biện pháp khẩn cấp kiểm tra việc sử dụng Oxytetracyline trong nuôi tôm.

Để kiểm soát hiệu quả dư lượng Oxytetracyline trong tôm nuôi và tránh khả năng EU áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam cũng như không làm ảnh hưởng xấu đến việc xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Nhật Bản, VASEP kiến nghị Tổng cục Thủy sản có biện pháp khẩn cấp chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan quản lý địa phương tăng cường kiểm tra việc sử dụng Oxytetracyline trong nuôi tôm.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản cần có biện pháp đánh giá khoa học về tác dụng cũng như mức độ cần thiết sử dụng chất này để có biện pháp thay thế cho việc điều trị bệnh trên tôm để có quy định hướng dẫn, tuyên truyền để người nuôi tôm nâng cao nhận thức, có phương án phòng bệnh tốt nhưng không gây ảnh hưởng đến chất lượng tôm nuôi.

Theo VASEP, hiệp hội đã nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp hội viên và một số nhà nhập khẩu EU về việc thời gian gần đây Cơ quan thẩm quyền EU phát hiện một số lô tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam bị nhiễm Oxytetracyline vượt mức giới hạn cho phép (quy định của EU là 0,1 ppm).

Nếu tình hình không được cải thiện, EU sẽ xem xét áp dụng các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, kể cả việc tạm đình chỉ nhập khẩu.

Tại Việt Nam, theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giới hạn tối đa của Oxytetracyline trong thủy sản là 0,1 ppm. Tuy nhiên, theo VASEP, hiện nay người nuôi tôm đã có dấu hiệu sử dụng tràn lan chất này và không theo hướng dẫn của nhà sản xuất cũng như quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dẫn tới tôm nuôi sau thu hoạch bị nhiễm Oxytetracyline vượt quá giới hạn cho phép.

Mặc dù doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đã kiểm soát nghiêm ngặt chỉ tiêu này trong công đoạn chế biến, nhưng việc lây nhiễm từ khâu nuôi tôm làm doanh nghiệp rất khó kiểm soát. Đặc biệt, trước tình hình tôm được giá, nhiều người bán thuốc thú y lợi dụng sự cả tin của người nuôi để bán và hướng dẫn người nuôi sử dụng Oxytetracyline bất hợp pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục