Tăng cường năng lực để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Tăng cường năng lực để ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững được coi là lối thoát duy nhất nhằm giảm nhẹ và thích ứng với hiện tượng nguy hiểm này.
Tăng cường năng lực để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh 1Ðoạn kè bêtông bị sóng biển đánh vỡ tại bờ biển ấp Bàu, xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, Trà Vinh. (Ảnh: Huy Hoàng/TTXVN)

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, đe dọa sự tồn vong của con người trên Trái Đất và đang tác động mạnh đến Việt Nam, dự báo sẽ ngày càng lớn và phức tạp hơn. Vì vậy, tăng cường năng lực để ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững được coi là lối thoát duy nhất nhằm giảm nhẹ và thích ứng với hiện tượng nguy hiểm này.

Bài 1: Chủ động ứng phó và thích ứng

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh Đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và Đồng bằng sông Ganges (Bangladesh).

Biến đổi khí hậu đã hiện hữu và có nguy cơ tác động ngày càng lớn hơn trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Hậu quả do thiên tai gia tăng

Trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất to lớn về người và tài sản, các cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, chỉ tính trong 15 năm trở lại đây, các loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, làm chết và mất tích hơn 10.700 người; thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.

Biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, do diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, đặc biệt là một phần đáng kể ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và các vùng đất thấp đồng bằng ven biển bị ngập mặn vì nước biển dâng, tác động đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây; ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng, tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm.

Minh chứng là năm 2014 vừa qua được cho là “năm hạn lịch sử” của nhiều tỉnh miền Trung. Nhưng theo đánh giá của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm nay hạn hán ở khu vực này sẽ còn khốc liệt hơn.

Tổng lượng mưa trong khu vực vào mùa mưa năm 2014 thiếu hụt từ 20-60% so với trung bình nhiều năm. Nhưng từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa lại tiếp tục thiếu hụt từ 20-50%.

Lượng nước tích trong các hồ thủy lợi năm 2015 rất thấp, nhất là ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận chỉ đạt 13-32% so với dung tích thiết kế. Thiếu nước tưới tiêu đã làm diện tích lúa đông xuân năm 2015 giảm gần 3.300ha so với vụ đông xuân năm trước. Sản lượng lúa đông xuân khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên năm nay dự kiến chỉ đạt trên 1,6 triệu tấn, giảm trên 35.000 tấn.

Giáo sư-tiến sỹ Trần Thục, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, nhận định biến đổi khí hậu với những tác động ngày càng gia tăng và khó lường ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương sẽ làm gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường; làm tăng khả năng bị tổn thương, là nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế-xã hội, hoặc làm mất đi nhiều thành quả đã đạt được như công cuộc xóa đói giảm nghèo. Do đó, các nguy cơ và rủi ro biến đổi khí hậu cần được tính đến trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực hiện các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phát triển ngành và địa phương.

Cụ thể hóa kế hoạch hành động

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (được bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng đã khẳng định: “Coi trọng nghiên cứu, dự báo và thực hiện các giải pháp ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên.”

Cũng từ những chủ trương, giải pháp của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã sớm xây dựng, ban hành các văn bản chính sách, quy phạm pháp luật. Từng bước hình thành hành lang pháp lý, môi trường chính sách cho công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tiêu biểu như Chiến lược quốc gia Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Chiến lược Phát triển Thủy lợi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược Phát triển ngành Khí tượng Thủy văn; Chiến lược Tăng trưởng xanh; Luật Tài nguyên nước.

Đặc biệt, ngày 5/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, sau đó là Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu. Trong cơ cấu tổ chức của Bộ có Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu là cơ quan chuyên môn, giúp thực hiện quản lý, điều phối các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các cơ cấu tổ chức về phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai ở các địa phương cũng được kiện toàn, bổ sung theo hướng phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu.

Để tăng cường công tác chỉ đạo, điều phối liên ngành thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án, dự án liên quan đến biến đổi khí hậu, Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu cũng đã được thành lập, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực của Ủy ban này.

Nhà nước đã có những ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách cho các chương trình ứng phó, nghiên cứu khoa học và công nghệ về biến đổi khí hậu. Ưu tiên huy động vốn vay ưu đãi và khai thác các nguồn tài trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước cho ứng phó với biến đổi khí hậu, kể từ năm 2010 đến nay đạt trên 500 triệu USD.

Các địa phương đã huy động tốt nguồn lực tại chỗ, tranh thủ sự đóng góp, tham gia của nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, từ thiện trong công tác cứu trợ và khắc phục thiên tai.

Đồng thời, sự hợp tác và hội nhập quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng có bước phát triển nhanh và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, xây dựng được hình ảnh Việt Nam tích cực và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trên trường quốc tế. Qua đó, nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ các nước ghi nhận và hỗ trợ cho Việt Nam.

Tháng 6/2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, sau đó được cập nhật vào tháng 3/2012. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu cho các giai đoạn tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết hiện nay hoạt động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai được tăng cường, có bước tiến phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu. Cụ thể là hệ thống quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn từng bước được đầu tư, nâng cấp thông qua Đề án hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc.

Một số công nghệ hiện đại đã đưa vào sử dụng, nhờ đó tăng thời gian dự báo bão và áp thấp nhiệt đới từ 24 giờ lên 36 giờ; dự báo cơn bão có quỹ đạo ổn định trước từ 60-72 giờ; cảnh báo trước 48-72 giờ các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại.

Việt Nam cũng đã triển khai thực hiện 160 dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM) được Nghị định thư Kyoto quy định, với tổng số chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính (CER) được cấp khoảng 7 triệu CER, đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng dự án và đứng thứ 9 về tổng số CER được cấp. Người dân và doanh nghiệp ở một số vùng đã bắt đầu chủ động đầu tư lắp đặt hệ thống pin sử dụng năng lượng Mặt Trời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục