Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” nhằm xóa rào cản ngôn ngữ, mở rộng môi trường giao tiếp cho học sinh dân tộc thiểu số.
Sáng 24/5, tại khu du lịch Vĩnh Lộc, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận đã tổ chức Chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em.”

Tham gia chương trình có gần 150 em học sinh là người dân tộc thiểu số hiện đang học tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cho học sinh dân tộc thiểu số được tổ chức với mục đích nhằm xóa rào cản ngôn ngữ giữa tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số, tạo cơ hội cho các em học sinh dân tộc thiểu số được giao lưu và mở rộng môi trường giao tiếp, ứng xử bằng tiếng Việt.

Tại đây, các em tham gia giao lưu ở nhiều nội dung như nghe-viết bằng tiếng Việt; đọc thầm- hiểu; xây dựng tiểu phẩm xoay quanh chủ đề “Em yêu tiếng Việt;” kể chuyện về đồng bào dân tộc thiểu số bằng tiếng Việt.

Đây thực sự là một sân chơi bổ ích, qua đó tạo điều kiện để các em phát triển tốt các kỹ năng môn tiếng Việt, tạo nền tảng học tốt các môn học khác. Ngoài ra, đây còn là dịp để các em thể hiện bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình thông qua những câu chuyện kể, lời ca, điệu múa.

Ông Huỳnh Sanh Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận cho biết chương trình nhằm khuyến khích các em yêu và sử dụng tiếng Việt nhiều hơn, tạo động lực thúc đẩy công tác giảng dạy, tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số được thực hiện dễ dàng, góp phần nâng cao chất lượng học tập, giảm tỷ lệ học sinh yếu, học sinh bỏ học ở cấp tiểu học.

Trong những năm qua, để nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh dân tộc thiểu số, ngành giáo dục Bình Thuận đã thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo và cụ thể như: Tổ chức cho trẻ 5 tuổi ra lớp làm quen với tiếng Việt; tổ chức các lớp "Chuẩn bị tiếng Việt" cho trẻ trước tuổi đến trường; tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số theo hướng tích hợp vào các môn học, các hoạt động giáo dục; điều chỉnh nội dung, thời lượng dạy học của các môn học khác để tập trung dạy học tiếng Việt; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tăng cường cơ sở vật chất cho các điểm trường vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.../.

Hồng Hiếu (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục