Tăng cường trách nhiệm trong bảo đảm quyền lợi lao động nữ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện lao động nữ trên cả nước khoảng 26 triệu người, chiếm 48% tổng lực lượng lao động ở Việt Nam.
Tăng cường trách nhiệm trong bảo đảm quyền lợi lao động nữ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 8/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Dự án Nuôi dưỡng và phát triển (Alive&Thrive) tổ chức Hội nghị giới thiệu, triển khai Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 30/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ.

Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, cùng đại diện các tổ chức quốc tế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các doanh nghiệp có nhiều lao động nữ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, nhiều năm qua, bằng các chính sách, pháp luật lao động, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn quan tâm, chăm sóc đời sống của công nhân lao động, trong đó có lao động nữ.

Lao động nữ vừa được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập và tham gia công tác xã hội, vừa bảo đảm thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ trong gia đình.

Nghị định số 85/2015/NĐ-CP gồm 3 chương, 13 điều đã có hiệu lực từ ngày 15/11 sẽ đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ, đồng thời tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các hành động nhằm nâng cao đời sống của công nhân lao động nữ, đặc biệt là các lao động nữ làm việc các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện lao động nữ khoảng 26 triệu người, chiếm 48% tổng lực lượng lao động ở Việt Nam. Trong số đó, tỷ lệ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ đang có xu hướng tăng nhanh ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước và các khu công nghiệp, khu chế xuất, do đó nhu cầu gửi con là rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện nay, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu đông dân cư còn gặp nhiều khó khăn. Dân số cơ học tăng nhanh, tỷ lệ công nhân có con trong độ tuổi mầm non chiếm gần 60%, trong đó độ tuổi dưới 3 tuổi chiếm trên 58%.

Tuy nhiên, trên 70% công nhân đang phải ở trọ tại các khu dân cư và không có điều kiện chăm sóc trẻ tại gia đình. Do đó, việc xây dựng trường lớp mầm non phải phù hợp với điều kiện đi lại, đưa đón con của công nhân.

Để triển khai thực hiện Nghị định 85/2015/NĐ-CP có hiệu quả, tác động thiết thực tới đời sống của các lao động nữ, bà Nguyễn Thị Hiếu cho biết, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền về chăm sóc, giáo dục trẻ cho các bậc cha mẹ và cộng đồng; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức khảo sát liên ngành về tình hình nhà trẻ, mẫu giáo ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; đồng thời tham mưu Chính phủ ban hành Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2016-2020, trong đó có nội dung giải quyết trường lớp cho con công nhân, lao động nữ...

Thạc sỹ Phạm Thị Thanh Hồng, Phó Trưởng Ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho rằng thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phát triển chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, hỗ trợ đồ chơi cho con các công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung.

Bên cạnh đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng sẽ kiểm tra, giám sát việc tuyên truyền chính sách pháp luật lao động nữ gắn với lắp đặt phòng vắt và trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.

Đánh giá cao những quy định chính sách đối với lao động nữ trong Nghị định 85, đại diện VCCI cho biết, VCCI sẽ tuyên truyền lợi ích của việc thực hiện các chính sách đối với lao động nữ, đặc biệt là lợi ích kinh tế, lợi ích phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, có những biện pháp khuyến khích, biểu dương, vinh danh các doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách đối với lao động nữ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục