Tăng số người nghiên cứu khoa học và chất lượng lao động trí thức

Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam sẽ làm tăng số lượng người nghiên cứu khoa học, gia tăng năng suất, chất lượng lao động trí thức.
Tăng số người nghiên cứu khoa học và chất lượng lao động trí thức ảnh 1Trao giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2014. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Việt Nam đang có lợi thế lớn là nguồn lao động sáng tạo đang gia tăng, từ 54 triệu người sẽ tăng lên 70 triệu người vào năm 2025, vì thế Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam sẽ làm tăng số lượng người nghiên cứu khoa học, gia tăng năng suất, chất lượng lao động trí thức.

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch danh dự Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) nhấn mạnh như vậy tại hội nghị Hội đồng bảo trợ Quỹ Vifotec nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra sáng 9/7.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận thấy trách nhiệm rất lớn khi được đề nghị làm Chủ tịch danh dự của Hội đồng bảo trợ, kế thừa trách nhiệm Chủ tịch danh dự mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh hệ thống các giải thưởng của Vifotec đã tạo không khí thi đua, động viên các nhà khoa học, nhà sáng tạo. Quỹ Vifotec nên có kiến nghị tổ chức giải thưởng hàng năm để giới khoa học được tôn vinh, cũng như tạo điều kiện để học sinh, sinh viên nghiên cứu khoa học kịp thời được khen thưởng, trong đó nên có liên hoan các gương mặt sáng tạo hàng năm.

Thực tế, doanh nghiệp hiện nay chưa quan tâm nhiều đến nghiên cứu, đổi mới sáng tạo khoa học, vì thế truyền thông, đặc biệt là truyền hình cần sử dụng thế mạnh của mình để tạo sự lan truyền nhanh về nghiên cứu, ứng dụng sáng tạo khoa học vào sản xuất hàng hóa tại Việt Nam. Các báo lớn nên có các chuyên đề, chuyên mục thường xuyên về nghiên cứu, ứng dụng khoa học.

Mỗi năm, Ban tổ chức giải thưởng nên có bổ sung để ghi nhận các nghiên cứu khoa học về kinh tế, về khoa học xã hội… Để có được nguồn tài chính vững, Quỹ Vifotec nên theo hướng vận động tài trợ theo nhóm doanh nghiệp lớn trong từng thời kỳ cho phù hợp, không nên riêng lẻ.

Quỹ không nên thành lập một Trung tâm hỗ trợ sáng tạo riêng, mà nên thành lập Mạng lưới các phòng thí nghiệm hỗ trợ sáng tạo để tận dụng các cơ sở vật chất sẵn có ở các tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước.

Hội đồng bảo trợ hoạt động theo quy chế riêng, giúp đỡ về mọi mặt cho hoạt động của Quỹ Vifotec; đề ra chủ trương, phương hướng hoạt động của Quỹ; ra quyết định các biện pháp huy động nhằm tăng nguồn vốn của Quỹ; lựa chọn các cá nhân, đơn vị cần hỗ trợ, giúp đỡ, các giải pháp kỹ thuật áp dụng để có kế hoạch giúp đỡ.

Hội đồng bảo trợ gồm 22 thành viên, trong đó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thiện Nhân là Chủ tịch danh dự; giáo sư-tiến sỹ khoa học Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng.

Ban Thư ký giúp đỡ Hội đồng bảo trợ cũng được thành lập với 10 thành viên, do luật sư Lê Đăng Thọ, Giám đốc Quỹ Vifotec làm trưởng ban.

Từ năm 1995 đến nay, Quỹ Vifotec là đơn vị thường trực tổ chức thành công 20 lần Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam tạo được uy tín và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các nhà khoa học và quần chúng nhân dân. 100% công trình đoạt giải thưởng đã áp dụng vào sản xuất và đời sống, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao, góp phần thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ vào cuộc sống. Do có uy tín đối với quốc tế và tác động tốt đối với nền kinh tế nên từ năm 2001, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hợp quốc đã đồng ý hàng năm trao 4 giải thưởng cho Việt Nam.

Nhân dịp này, Quỹ Vifotec và Tập đoàn GFS ký kết thỏa thuận hợp tác. Tập đoàn GFS sẽ tài trợ 4 tỷ đồng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động của Quỹ Vifotec. GFS là tập đoàn đầu tư đa ngành với nòng cốt là đầu tư bất động sản, tài chính, xây dựng hạ tầng, năng lượng và thương mại, ứng dụng và chuyển giao công nghệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục