Tăng sự minh bạch trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở

Người đứng đầu địa phương, đơn vị phải thực sự có tâm huyết, có trách nhiệm thì việc thực hiện quy chế dân chủ mới đem lại hiệu quả, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.
Tăng sự minh bạch trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ảnh 1Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 18/7, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chủ trì hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn trên cả nước được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội quan tâm, triển khai, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.

Điểm nổi bật là phát huy được quyền dân chủ của nhân dân trong thực hiện các bước, quy trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 như công tác giới thiệu người ứng cử, tổ chức tiếp xúc cử tri, tổ chức hiệp thương… tạo niềm tin trong toàn dân.

Công tác cải cách hành chính được tập trung triển khai tích cực, góp phần làm tăng tính minh bạch, giảm bức xúc trong xã hội. Nhiều địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Tháp… đang hướng mạnh vào việc lấy “phục vụ” và “hiện đại” là tiêu chí chủ đạo trong thực hiện các thủ tục hành chính đối với nhân dân.

Việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả.

Từ đầu năm 2016 đến nay, đa số cơ quan nhà nước đã tiến hành tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, đạt tỷ lệ 97,93%. Qua đó, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức được tham gia ý kiến xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, bổ sung, chỉnh sửa quy chế, quy định trong hoạt động cơ quan, phát huy dân chủ, nêu cao trách nhiệm đóng góp, xây dựng cơ quan, đơn vị.

Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có tổ chức Đảng, đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan, đơn vị đã xây dựng được 5.534 quy chế mới, tổ chức 5.613 lớp tập huấn về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cho 511.834 người.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đã thực hiện 5.308 cuộc đối thoại tại nơi làm việc; công khai và tạo điều kiện cho người lao động tham gia ý kiến và giám sát các kế hoạch, phương pháp sản xuất kinh doanh, chế độ bảo hiểm, bảo hộ…

Định hướng nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ 6 tháng cuối năm 2016, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng quan tâm.

Chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đây là nơi đề xuất ban hành quy chế, cũng là nơi trực tiếp thực hiện. Vì vậy, người đứng đầu địa phương, đơn vị phải thực sự có tâm huyết, có trách nhiệm thì việc thực hiện quy chế dân chủ mới thực sự đem lại hiệu quả, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.

Đề cập đến sự công khai, minh bạch trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định, muốn tạo lòng tin của nhân dân, phải để người dân được nghe, được bàn và tham gia vào những việc liên quan đến cuộc sống của chính họ.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị, các cơ quan nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch các quy định, quy trình; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ công chức, viên chức trong thực thi công vụ; tăng cường đối thoại và giải quyết kịp thời những bức xúc trong nhân dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… cần tiếp tục đẩy các mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích thiết thực của nhân dân, để công tác thực hiện quy chế dân chủ cơ sở thực sự đem lại hiệu quả./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục