Tăng sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp cao su Việt Nam

Để ngành công nghiệp cao su phát triển hiệu quả, bền vững cần có chiến lược tổng thể cả về trồng trọt, chế biến lẫn xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường.
Công nhân cạo mủ cao su. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)
Công nhân cạo mủ cao su. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)

Là ngành công nghiệp đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước, nhưng hiện ngành cao su đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Chính vì vậy, để ngành công nghiệp cao su phát triển hiệu quả, bền vững cần có chiến lược tổng thể cả về trồng trọt, chế biến lẫn xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường.

Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị phát triển cao su hiệu quả, bền vững đến năm 2030 do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 6/11.

Diện tích tăng nhưng giá trị xuất khẩu giảm

Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, giai đoạn 2011-2018, diện tích cao su của Việt Nam tăng từ 801.000ha lên 965.000ha, so với định hướng quy hoạch cao su cả nước đã vượt khoảng khoảng 165.000ha.

Năng suất cao su từ 17,2 tạ/ha năm 2011 lên cao nhất 17,3 tạ/ha năm 2013, sang năm 2014 đến hết 2018 năng suất mủ cao su đã giảm xuống còn 16.6 tạ/ha.

Tuy năng suất cao su giảm nhưng sản lượng cao su vẫn tăng đều trong những năm qua do các diện tích trồng mới, tái canh đi vào khai thác. Cụ thể, năm 2011 sản lượng cao su cả nước đạt 789.300 tấn đến năm 2018 đã tăng lên trên 1,1 triệu tấn.

Năm 2018, ngành công nghiệp cao su đóng góp hơn 6,6 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước; trong đó, xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt 2,1 tỷ, cao su chế biến đạt 2,23 tỷ USD, gỗ và các sản phẩm gỗ cao su đạt 2,16 tỷ USD.

Ngành cao su cũng đang tạo việc làm cho khoảng 489.000 lao động thường xuyên; trong đó, có gần 40.000 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số với thu nhập khá ổn định từ 6-8 triệu đồng/tháng/lao động.

[Hơn 520 nhà cung cấp tham dự triển lãm ngành nhựa và cao su 2018] 

Mặc dù vậy, ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, cho rằng, ngành cao su Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn như chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hiện tượng biến đổi khí hậu, giá cao su thế giới xuống thấp trong nhiều năm liền, năng lực chế biến còn hạn chế, liên kết trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo.

Dù diện tích và sản lượng cao su không ngừng tăng lên nhưng giá trị xuất khẩu đang ngày càng giảm. Nếu như năm 2011, sản lượng cao su xuất khẩu là 846.000 tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, đến năm 2018 sản lượng cao su xuất khẩu đạt 1,56 triệu tấn nhưng chỉ mang lại giá trị 2 tỷ USD.

Nguyên nhân do giá cao su thế giới đang giả sâu và dự báo nguồn cung cao su thiên nhiên đang cao hơn nhu cầu tiêu thụ.

Mặt khác, sản phẩm cao su của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô, giá trị xuất khẩu chưa cao so với các nước sản xuất cao su lớn trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Cơ cấu sản phẩm cũng chưa phù hợp với nhu cầu tiêu thụ chung của thị trường thế giới, xuất khẩu đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, phân tích tổng công suất của các cơ sở chế biến cao su trong nước hiện nay vượt sản lượng mủ cao su hàng năm của Việt Nam từ 15-20%.

Tuy nhiên do không có quy hoạch cơ sở chế biến cao su toàn quốc và việc xây dựng nhà máy chưa gắn vùng nguyên liệu nên xuất hiện tình trạng nhiều cơ sở tư nhân xây dựng tự phát gây ra nhiều hệ lụy không tốt.

Cụ thể, do sự tranh mua bán nguyên liệu mủ giữa các nhà máy chế biến nên rất khó kiểm soát được chất lượng mủ thu mua, dẫn đến chất lượng sản phẩm cao su sơ chế giảm. Đó cũng là nguyên nhân khiến giá cao su xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia từ 15-20% với cùng chủng loại.

Tăng sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp cao su Việt Nam ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Bên cạnh đó, công nghệ chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu chế biến sản phẩm cao cấp, do chất lượng không ổn định nên ngành sản xuất lốp ôtô trong nước, phải nhập gần 100% nguyên liệu bên ngoài.

Hằng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn cao su (khoảng 2 tỷ USD) phục vụ công nghiệp cao su trong nước. Đây là điều bất hợp lý khi Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu cao su.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa xây dựng quy chuẩn quốc gia về nguyên liệu mủ cao su nên dù là một trong những nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn trên thế giới nhưng không điều tiết được giá và phụ thuộc vào thị trường chung.

Xây dựng chiến lược phát triển lâu dài

Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, khẳng định cây cao su là cây trồng đa mục tiêu, không chỉ là cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp mà còn là nguồn cung nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Cùng với đó, cây cao su cũng góp phần quan trọng trọng trong việc duy trì độ che phủ đất đai, đảm bảo an ninh quốc phòng của nhiều khu vực trọng yếu. Chính vì vậy, mặc dù đang gặp không ít khó khăn nhưng ngành cao su cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển hiệu quả, bền vững trong dài hạn.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng định hướng phát triển cao su Việt Nam phải trên cơ sở nhu cầu của thị trường.

Phát triển cao su theo hướng tập trung, gắn vùng nguyên liệu với cơ sở công nghiệp chế biến, cải tiến công nghệ chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao theo chuỗi giá trị.

Phát triển cao su theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất và chất lượng, áp dụng nhanh tiến bộ khoa học công nghệ, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm, để sản xuất cao su có hiệu quả theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.

Tăng sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp cao su Việt Nam ảnh 2Cải tạo vườn đồi mở rộng diện tích trồng cây cao su. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Về thị trường, đến năm 2020 phải tăng tỷ lệ tiêu thụ cao su thiên nhiên nội địa đạt từ 20-30% và phấn đấu đưa kim gạch xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt trên 2 tỷ USD.

Ngoài thị trường Trung Quốc cần chuyển đổi xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch, các doanh nghiệp phải tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị phần xuất khẩu cao su sang Nga, các nước thuộc khối EU, các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vừa duy trì bạn hàng cũ, tăng khách hàng mới,giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường lớn.

Ông Võ Hoàng An cho rằng thị trường cao su thế giới có xu hướng dư cung đến năm 2025, do vậy, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cần rà soát và cập nhật kịp thời thực trạng sản xuất cao su để có cơ sở quy hoạch, quản lý chặt chẽ diện tích, sản lượng cao su phù hợp với thị trường và điều kiện sinh thái.

Điều này nhằm góp phần cân đối cung cầu, cải thiện giá cao su, phát huy tối đa năng suất và hiệu quả kinh tế, giảm rủi ro cho người trồng và nâng cao vai trò của cây cao su trong các chương trình phủ xanh đất trống, phục hồi rừng và bảo vệ rừng.

Trong bối cảnh hội nhập, cần chú trọng nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành cao su Việt Nam bằng cách xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về nguyên liệu mủ cao su đầu vào. Từ đó, giúp các nhà máy sơ chế mủ có nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chế biến công nghiệp cao su và gỗ cao su.

Đồng thời, khuyến khích các mô hình liên kết trong chuỗi giá trị cao su từ khâu sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm tiêu dùng để giảm lệ thuộc vào giá cao su nguyên liệu đang có xu hướng biến động khó lường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục