Tăng sức ép về hành động chống biến đổi khí hậu

Công luận gia tăng sức ép đòi các nhà lãnh đạo thế giới đi đến một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị Copenhagen.
Ngày 6/12, các đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã có mặt tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, sẵn sàng cho hội nghị được đánh giá là một bước ngoặt lịch sử này, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 7-18/12.

Trước ngày khai mạc hội nghị, an ninh ở Copenhagen đã được siết chặt, trong khi công luận gia tăng sức ép đòi các nhà lãnh đạo thế giới hành động mạnh mẽ và kiên quyết tại Hội nghị Copenhagen nhằm đi đến một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu thay thế nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.

Chỉ huy các đơn vị đảm bảo an ninh cho hội nghị, ông Mogens Lauridsen cho biết 6.000 cảnh sát đã được triển khai tại Copenhagen, con số này có thể được nâng lên 9.300 người nếu cần thiết.

Cảnh sát đã cho đóng cửa các lối ra vào trung tâm Bella, nơi diễn ra hội nghị, trong vòng một tiếng để rà soát bom.

Nhằm nâng cao trách nhiệm của các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã có bài phát biểu trên Đài truyền hình Pháp, bày tỏ tin tưởng Hội nghị Copenhagen sẽ đưa ra cam kết chính trị mạnh mẽ và quan trọng, có thể làm cơ sở cho một thỏa thuận mang tính ràng buộc về pháp lý.

Ông Yvo de Boer, quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, cho biết các nước đã thể hiện sự đoàn kết và nhượng bộ chưa từng có trong 17 năm đàm phán về chống biến đổi khí hậu vừa qua.

Ông hối thúc các nước phát triển và mới nổi cam kết cắt giảm khí thải mạnh hơn nữa.

Nhiều tổ chức, công ty cũng đã có những hành động thiết thực báo động về thực trạng biến đổi khí hậu.

Công ty GlobeScan sáng 7/12 công bố kết quả cuộc khảo sát mới đây, được tiến hành ở 23 nước trên thế giới, bao gồm nhiều nước công nghiệp phát triển, cho thấy 64% dân chúng ở những nước này cho rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề rất nghiêm trọng. Bất chấp kinh tế toàn cầu suy thoái, đa số ý kiến (61%) ủng hộ chính phủ đầu tư cho các kế hoạch chống biến đổi khí hậu.

Báo "Người bảo vệ" của Anh số ra cùng ngày cho biết các tờ báo lớn ở 45 quốc gia trên thế giới thống nhất sẽ đăng trên trang nhất các bài xã luận kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới không tranh cãi, không đổ lỗi cho nhau, mà nắm bắt cơ hội tại Hội nghị Copenhagen để khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, các nhà khoa học Anh công bố báo cáo mới đây nhất cho thấy khí CO2 gây biến đổi khí hậu nhiều hơn người ta vẫn thường nghĩ.

Tổ chức bảo vệ môi trường Hòa bình Xanh đưa tàu thám hiểm nổi tiếng Arctic Sunrise tới neo đậu tại cảng chính ở Copenhagen với khẩu hiệu "Khí hậu là tương lai của chúng ta và phụ thuộc vào quyết định của các nhà lãnh đạo thế giới".

Gần đó, một diễn đàn khí hậu tự phát đã được tổ chức, dự kiến thu hút sự tham gia của khỏang 10.000 người mỗi ngày, song song với Hội nghị Copenhagen.

Trước đó, ngày 5/12, nhiều nước châu Âu đã tổ chức tuần hành kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động chống biến đổi khí hậu.

Trong một động thái được đánh giá là tạo đà cho thành công của Hội nghị Copenhagen, Nam Phi ngày 6/12 thông báo sẽ cắt giảm 34% lượng khí CO2 trong 10 năm tới, so với năm 1990 và có thể nâng tỷ lệ này lên 42% vào năm 2025.

Liên minh châu Âu cũng cam kết hỗ trợ từ 1-3 tỷ euro trong 3 năm tới giúp các nước nghèo đối phó với những tác động từ biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục