Tăng thuế VAT có nghĩa là “đánh vào túi tiền” của mọi người dân

Người dân cả nước đang thấp thỏm vì viễn cảnh phải bỏ thêm tiền triệu mỗi năm nếu đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng lên 12% trở thành hiện thực.
Tăng thuế VAT có nghĩa là “đánh vào túi tiền” của mọi người dân ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Không ít người dân cả nước đang thấp thỏm vì viễn cảnh phải bỏ thêm tiền triệu mỗi năm nếu đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng lên 12% trở thành hiện thực. Trong khi ấy, với giới chuyên gia, đề xuất mới của Bộ Tài chính thậm chí còn đáng lo hơn thế.

[Bộ Tài chính nói gì về đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng lên 12%]


Người lao động “méo mặt”

Sự lo lắng bắt nguồn từ đề xuất mới đây của Bộ Tài chính với 2 phương án tăng thuế giá trị gia tăng. Một là tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019; Hai là tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021.Với hai phương án trên, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh quan điểm “đề nghị cân nhắc phương án 1.”

Bà Phan Thị Vui, công nhân về hưu, 80 tuổi, khá bức xúc khi ​trả lời phỏng vấn. Bà cho biết, tiền lương hưu mỗi tháng của bà là 2.400.000 đồng. Số tiền này được chi trả chọn gói cuộc sống của bà và một người con gái 59 tuổi (mất sức lao động).

“Đừng nói tôi là công nhân, trình độ văn hóa thấp mà không biết gì. Mỗi tháng tiền điện, tiền nước, điện thoại và tất cả các chi phí tôi đều phải đóng thuế giá trị gia tăng cho Nhà nước. Những người nghèo như tôi mua thức ăn ngoài chợ không có nghĩa là không đóng thuế." 

"Không thể không đặt câu hỏi, người nông dân trồng ra hạt gạo có phải đóng thuế điện, nước, giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu… hay không. Người sản xuất nhỏ nuôi lợn, gà; người làm ra cân bún, nước mắm, gia vị, dầu ăn, nước gội đầu, sữa tắm… họ đều phải nộp thuế giá trị gia tăng cho những nguyên liệu để có thể sản xuất ra mọi thứ hàng hóa. Và nếu tôi là người tiêu dùng, thì tôi phải trả những khoản thuế họ đã nộp hộ cho Nhà nước chứ,” bà Vui nói.


[Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng lên 12%]

Về nguyên lý, thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên đối với người tiêu dùng cuối cùng, thuế giá trị gia tăng được tính trên tổng số tiền chi trả cho hàng hóa và dịch vụ mà người dân đã chi ra.

Điều này hiển nhiên, 92,7 triệu dân (nguồn Tổng cục Thống kê năm 2016 - PV) sẽ là đối tượng phải gánh thêm mức thuế tăng nếu đề xuất trên của Bộ Tài được thực thi trong thời gian tới. Như vậy, “gánh nặng” tăng thuế này sẽ không chừa một ai, người giàu hay người nghèo, người sống tại khu vực miềm núi, hải đảo, nông thôn hay đô thị.

Nếu nhìn qua con số, giá trị tuyệt đối của 2% là không lớn, nhưng khi nhân 2% với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 3,5 triệu tỷ đồng (nguồn Tổng cục Thống kê năm 2016 - PV) thì đây là con số không hề nhỏ.  

Chị Hoàng Thị Nga, 50 tuổi, chủ một cửa hàng bán quà vặt tại quận Long Biên than thở, hai vợ chồng làm hàng từ sáng, đến tối nhưng thu nhập mỗi ngày chỉ khoảng 300.000 đồng, đó là chưa kể những ​hôm hàng ế. Cả gia đình chị Nga gồm hai vợ chồng và hai đứa con đang đi học, nguồn sống hoàn toàn dựa vào thu nhập trên.

“Nếu thuế tăng, rõ ràng tôi sẽ phải đóng thêm tiền thuế cho các khoản hàng hóa, dịch vụ song khi bán hàng sao làm sao có thể tăng giá dễ dàng được. Thu nhập của gia đình chắc chắn sẽ giảm đi, trong khi chi phí đời sống thiết yếu lại tăng lên từ việc tăng thuế, thế có phải hai lần mệt mỏi không?” chị Nga nói.

Tăng thuế VAT có nghĩa là “đánh vào túi tiền” của mọi người dân ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chọn thuế giá trị gia tăng vì dễ thu?

Đồng cảm với những tâm sự trên, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên An Phúc Nguyễn Tuấn cho rằng, khi Việt Nam thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), người dân chưa được hưởng nhiều từ lộ trình giảm thuế thì có thể phải chịu thuế giá trị gia tăng thêm 2%.

Theo ông, nếu danh mục hàng hóa vào Việt Nam được giảm thuế và có giá thành rẻ hơn hiện tại khoảng 5-15% thì lúc đó mới xem xét tăng thuế giá trị gia tăng để bù ngân sách. Tuy nhiên, quay trở lại đề xuất mới đây của Bộ Tài chính, ông Tuấn nhấn mạnh quan điểm, sự thay đổi này sẽ tác động tiêu cực tới đại bộ phận người dân.

Còn với ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị công chứng Australia (CMA Australia) tại Việt Nam, việc tăng thuế sẽ làm tăng chi phí chung trong nền kinh tế trong đó bao gồm cả chi phí của người dùng và doanh nghiệp.

Vấn đề theo ông hiện “rất dở” là Việt Nam không thu được thuế thu nhập doanh nghiệp nên chuyển sang đánh thuế vào những hoạt động thông dụng. Trong khi ấy, ông lưu ý, những hoạt động này theo ông, người giàu, người nghèo đều phải nộp thuế như nhau.

“Nhà giàu, nhà nghèo đều phải ăn cơm, uống sữa, cho con đi học, chữa bệnh,… Tất cả đều phải nộp thuế giá trị gia tăng,” ông Long lên tiếng.

Theo ông, tỷ trọng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện chỉ hơn 10% trong khi nhiều nước khác, tỷ lệ này ở mức khoảng 30%. Tỷ lệ thu thấp ở Việt Nam theo vị chuyên gia này một phần do hành lang pháp lý yếu kém.

Do không thu được từ các doanh nghiệp làm ăn kinh doanh có lãi nên theo ông Long, Việt Nam đã chuyển hướng sang “đổ đầu” vào người tiêu dùng.

Cũng nhắc tới ý kiến này, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho cho rằng, nguồn thu lớn, dễ thực hiện nhất là các loại thuế gián thu, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng. Thuế giá trị gia tăng theo ông thể hiện ngay trên hóa đơn bán hàng, chứ không khó xác định doanh thu, chi phí chính xác như các loại thuế khác.

Tuy nhiên, điều ông Nghĩa lưu ý là, thuế gián thu đánh vào tất cả các đối tượng, ảnh hưởng tới công bằng thuế và không có tác dụng hỗ trợ người nghèo. Đó là những điều theo ông cần cân nhắc khi xem xét đề xuất tăng thuế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục