Tăng tính minh bạch và cạnh tranh trong hoạt động ngoại thương

Đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Quản lý ngoại thương được ban hành trong thời gian tới cùng với các luật khác về kinh doanh sẽ tạo nên môi trường pháp lý minh bạch.
Tăng tính minh bạch và cạnh tranh trong hoạt động ngoại thương ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Đức Kiên phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Việt Nam đã liên tục cải thiện chính sách, công cụ pháp luật để thực hiện quản lý ngoại thương phù hợp với điều kiện hội nhập. Hoạt động ngoại thương trong thời gian qua diễn ra sôi động và có đóng góp nhất định cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Mặc dù, việc quản lý nhà nước về ngoại thương đã chặt chẽ, thông suốt, minh bạch và hiệu quả hơn, song chính sách của nhà nước trong lĩnh vực này còn một số điểm cần tiếp tục hoàn thiện.

Luật Quản lý ngoại thương được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp lần này đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu.

Bên lề Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến một số đại biểu xung quanh nội dung này.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình): Cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm đến Luật Quản lý ngoại thương

Chúng ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng và xuất nhập khẩu là một hoạt động quan trọng của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Yêu cầu phải có một bộ luật toàn diện để quản lý ngoại thương, tạo khuôn khổ pháp lý, định hướng cho các hoạt động của doanh nghiệp là rất cần thiết và cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm đến Luật này.

Tôi hy vọng sẽ có một khuôn khổ pháp lý vững chắc để thúc đẩy và đảm bảo một môi trường cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập; từ đó hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam trong các hoạt động giao lưu quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Luật Quản lý ngoại thương sắp tới được kỳ vọng giúp cho tính minh bạch của thị trường cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Khuôn khổ pháp luật về kinh doanh sẽ đảm bảo tính minh bạch, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Như vậy mới có thể khuyến khích các doanh nghiệp nỗ lực và nâng cao năng lực cạnh tranh. Luật Quản lý ngoại thương được ban hành trong thời gian tới cùng với các luật khác về kinh doanh sẽ tạo nên môi trường pháp lý minh bạch.

Khi Luật Quản lý ngoại thương được ban hành, những quy định về các hoạt động xuất nhập khẩu nằm trong các luật khác, đặc biệt trong Luật Thương mại thì sẽ được điều chỉnh và đưa vào Luật Quản lý ngoại thương. Điều này hết sức cần thiết và tạo nên một khuôn khổ pháp lý hoàn thiện cho hoạt động ngoại thương.

Chúng ta đều biết rằng thời gian tới, ranh giới giữa các nền kinh tế sẽ bị xóa nhòa dưới tác động của hội nhập, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cho nên, khung khổ pháp lý về ngoại thương sẽ phải thay đổi để thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên cơ sở công bằng, minh bạch...

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Giúp doanh nghiệp xuất khẩu hội nhập dễ dàng hơn

Trước đây chúng ta đã có Luật Thương mại 2005 nhưng khi Việt Nam chính thức ra nhập WTO kể từ đầu năm 2007 thì vẫn thiếu một bộ luật để định hướng cho hoạt động xuất nhập khẩu trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu. Vì thế, mục tiêu đặt ra là phải đưa các luật của Việt Nam hội nhập với quốc tế và cũng chính là tuân thủ các điều ước, điều khoản mà Việt Nam đã ký kết với các tổ chức quốc tế.

Ngoài ra, Luật Quản lý ngoại thương phải nhằm đẩy nhanh được hoạt động xuất khẩu bởi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Bởi vậy, Luật Quản lý ngoại thương hoàn thiện sẽ đẩy nhanh quá trình hội nhập cũng như giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hội nhập quốc tế dễ dàng hơn.

Tăng tính minh bạch và cạnh tranh trong hoạt động ngoại thương ảnh 2 Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương lần này có 115 điều luật; trong đó dành một số điều luật để phục vụ phòng vệ thương mại cũng như những vấn đề giấy phép, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập hoặc cấm nhập khẩu, xuất khẩu trong những tình huống cần thiết. Tôi nghĩ đây là dự thảo luật rất cần trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, có khoảng 24 điều khoản phải hết sức cụ thể và các đại biểu sẽ phải thảo luận kỹ về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (đoàn Sóc Trăng): Gia tăng những biện pháp phòng vệ thương mại

Trước đây, chúng ta quan niệm ngoại thương và thương mại nhập vào một luật. Thế nhưng khi chúng ta gia nhập WTO, đặc biệt là sau khi ký với 12 nước để tham gia TTP và cùng với cuộc cách mạng khoa học công nghệ về kỹ thuật số đã thay đổi rất nhiều yếu tố liên quan tới xuất nhập khẩu. Nếu qua thương mại điện tử, chữ ký điện tử thì trong vài năm trở lại đây việc mua bán trên mạng không thông qua những thủ tục ngoại thương thông thường đã xuất hiện ngày càng nhiều trong nền kinh tế nước ta.

Việt Nam đã đưa vào 3 pháp lệnh để thực hiện phòng vệ thương mại trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế chưa đủ mạnh để làm căn cứ cho chúng ta hoạt động và đàm phán với đối tác nên bắt buộc phải có bộ luật mới liên quan đến công tác ngoại thương.

Ở đây sẽ có hai xu hướng, một là tăng cường việc quản lý về phối hợp ngoại thương trong bối cảnh mới; cùng đó là gia tăng những biện pháp phòng vệ thương mại được các tổ chức thương mại quốc tế qua các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký đáp ứng.

Trên xu hướng đó, dự thảo Luật Quản lý ngoại thương lần này được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội đã đặt ra những vấn đề này. Đây là kỳ họp đầu tiên trình dự thảo luật này nên vẫn có nhiều vấn đề cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc thấu đáo. Cơ quan chủ trì kiểm tra và soạn thảo cũng hy vọng sẽ ghi nhận ý kiến đóng góp cả các đại biểu quốc hội cũng như chuyên gia, các bộ ngành liên quan, doanh nghiệp... để hoàn thiện dự luật.

Hiện nay, thủ tục hải quan đang chiếm nhiều thời gian trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa nhưng qua rà soát lại thấy chi phí thời gian cho hoàn thành thủ tục hải quan do các quy định của hải quan chiếm từ 28-30% chi phí, còn lại từ 70-72% là do các tổ chức khác quy định.

Nếu rút ngắn được thời gian thông quan qua việc xuất nhập khẩu thì giúp tiết kiệm được chi phí cho các doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí thuê công, chờ tàu, thuê bãi ở các khu vực, hoặc có thể giúp quay vòng nhanh vốn của các doanh nghiệp và nâng cao việc sử dụng nguồn vốn lên. Việc thông qua mỗi dự luật là một đóng góp nhỏ vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với hy vọng tạo sức bật mới cho doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục