Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại, GDP quý 1 đạt 5,46%

Quý I năm 2016, tổng sản phẩm trong nước tăng 5,46% so với cùng kỳ năm 2015, như vậy tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015.
Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại, GDP quý 1 đạt 5,46% ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Quý I năm 2016, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,46% so với cùng kỳ năm 2015.

Tại buổi Họp báo Công bố số liệu GDP, Lao động và Việc làm quý 1 năm 2016 diễn ra ngày 25/3, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết: "Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,9% của năm 2011 song cao hơn cùng kỳ năm 2012, 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011-2015.”

Thị trường đầu ra cạnh tranh mạnh

Bối cảnh kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2016 theo dự báo rất nhiều khó khăn, diễn biến kinh tế phức tạp, tốc độ tăng trưởng tiếp tục giảm sút, tình hình tài chính, tiền tệ quốc tế và giá dầu biến động khó lường gây khó khăn cho hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Do đó, ông Lâm cho rằng: “Cạnh tranh về thị trường đầu ra cũng như chi phí sản xuất đầu vào với các nước có nền sản xuất tương đồng ngày càng mạnh. Trong khi đó, bên cạnh những thuận lợi và những dấu hiệu khởi sắc về kinh tế của năm 2015 nhưng với bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế Việt Nam cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng bất lợi.

Ngoài ra, tình hình thời tiết phức tạp như giá rét ở miền Bắc, hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và sạt lở trên diện rộng, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tác động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt ngành nông nghiệp, công nghiệp và xuất, nhập khẩu những tháng đầu năm 2016.”

Theo đó, giá trị tăng thêm tại khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 98,77% so cùng kỳ năm 2015, thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.

Xây dựng tăng trưởng ấn tượng

Quý 1, khu vực công nghiệp và xây dựng có giá trị tăng thêm tăng 6,72% so cùng kỳ năm trước và cao hơn cùng kỳ 2013 và 2014 (trong giai đoạn 2011-2015), nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 8,74% cùng kỳ năm 2015.

Riêng ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% (thua xa mức tăng 9,27% của cùng kỳ năm 2015) do hai ngành công nghiệp chủ lực là khai khoáng và công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng giảm đáng kể.

Cụ thể, ngành khai khoáng sụt giảm khá mạnh chỉ đạt 98,8% và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,9% kém xa so với mức tăng 9,7% của quý 1/2015.

Điểm đáng chú ý, ông Lâm nhấn mạnh, ngành xây dựng lại có mức tăng trưởng ấn tượng 9,94%. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2010 trở lại, trong đó khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng cao nhất với tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt trên 23%, khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng đạt mức tăng giá trị sản xuất 11%, trong khi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực khác có tốc độ tăng giá trị sản xuất âm.

Thêm vào đó, khu vực dịch vụ cũng ghi dấu ấn với giá trị tăng thêm tăng 6,13% so cùng kỳ năm trước và cao nhất kể từ quý 1 năm 2012 tới nay.

​Ông Lâm phân tích, quý 1 năm nay là quý khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Do đó, kết quả hoạt động của quý này sẽ tạo động lực và khích lệ cho toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh các dự báo kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khả quan, như kinh tế vĩ mô đang được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát ít biến động, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, tăng trưởng kinh tế đang trên đà hồi phục, kinh tế đối ngoại có nhiều yếu tố tích cực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục