Tăng tuổi nghỉ hưu: Tiếp tục câu chuyện “tiến thoái lưỡng nan”

Tăng tuổi nghỉ hưu: Tiếp tục câu chuyện “tiến thoái lưỡng nan"

Sau hai lần bị Quốc hội bác bỏ, tăng tuổi nghỉ hưu lại được đưa ra trong sửa Bộ luật Lao động, có lẽ vấn đề đang ở tình thế "tiến thoái lưỡng nan", rất khó để quyết định nhưng vẫn phải tính đến.

Quá trình phát triển đang đặt ra nhiều thách thức mới, trong đó có việc phải xem xét lại hệ thống lương hưu của Việt Nam. Cải cách lương hưu trong đó có biện pháp tăng tuổi nghỉ hưu được cho là cấp thiết trong bối cảnh già hoá dân số, sức khoẻ của người dân đã được cải thiện rõ rệt, trong khi hệ thống lương hưu không còn hợp lý khiến quỹ hưu trí có nguy cơ mất cân đối trong thời gian gần.

Tăng tuổi nghỉ hưu được “nâng lên, hạ xuống” khá nhiều lần và cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Sự thay đổi của vấn đề này có những tác động quá lớn đến hàng chục triệu người lao động nên đòi hỏi các Bộ, ngành liên quan phải tính toán kỹ lưỡng, đầy đủ để đem lại lợi ích tốt nhất cho người lao động.

Bài 1: Tăng tuổi nghỉ hưu: Tiếp tục câu chuyện “tiến thoái lưỡng nan”

Tăng tuổi nghỉ hưu: Tiếp tục câu chuyện “tiến thoái lưỡng nan" ảnh 1Tăng tuổi nghỉ hưu tiếp tục được đưa vào trong sửa đổi Bộ luật Lao động lần này. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Tăng tuổi nghỉ hưu có lẽ là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động 2012 mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến. Bộ này đã đưa ra hai phương án về độ tuổi nghỉ hưu là giữ nguyên như hiện hành (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) hoặc nam tăng lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi.

[Năm nội dung thay đổi nổi bật trong sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012]

Tăng tuổi nghỉ hưu không phải là vấn đề lần đầu được nhắc đến và luôn luôn khó có được sự đồng thuận của tất cả mọi người. Bản chất của tăng tuổi nghỉ hưu là kéo dài thời gian đóng bảo hiểm xã hội và giảm thời gian hưởng lương hưu nhằm cân đối quỹ hưu trí. Vì vậy, sẽ không có nhiều người lao động muốn mình được hưởng lương hưu muộn hơn. Vấn đề này đang ở tình thế "tiến thoái lưỡng nan", rất khó để quyết định vì ảnh hưởng đến quyền lợi và đời sống của người lao động nhưng lại không thể giữ nguyên và cần thiết phải tính đến sự thay đổi.

Hai lần bị Quốc hội “bác”

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, tăng tuổi nghỉ hưu là một nội dung lớn đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo, sửa đổi luật như Luật Bình đẳng giới năm 2007, Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Chỉ trong vòng 3, 4 năm trở lại đây, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đã hai lần được trình lên Quốc hội trong lần sửa Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nhưng đều không được các đại biểu đồng ý thông qua.

[Nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ lên 58, nam giới lên 62]

Vào năm 2012, khi sửa Bộ luật Lao động nhiều ý kiến cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết để tận dụng nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhưng thời điểm đó chưa phải lúc để tăng tuổi nghỉ hưu với tất cả người lao động. Quốc hội khoá 13 đã thống nhất chỉ tăng tuổi nghỉ hưu với một số đối tượng có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao như nữ thứ trưởng, phó giáo sư, giáo sư...

Đến năm 2014, khi những cảnh báo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) và Ngân hàng Thế giới về nguy cơ mất cân đối quỹ hưu trí vào năm 2034 gây xôn xao dư luận thì việc tăng tuổi nghỉ hưu một lần nữa được đặt ra trong lần sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Trong lần này, những căn cứ về việc đã đến lúc cần tăng tuổi nghỉ hưu đã rõ ràng hơn, thế nhưng tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá 13 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được thông qua chỉ riêng điều khoản về tăng tuổi nghỉ hưu tiếp tục bị “bác” và vẫn phải tiếp tục chờ, chờ đến khi sửa Bộ Luật Lao động lần tiếp theo.

Và như một lẽ tất nhiên, vấn đề “khó quyết” này lại tiếp tục được đưa trong lần sửa Bộ luật Lao động sắp tới. Trong dự thảo tờ trình Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động mới đây do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung với tiếp tục đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu.

Lý do được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra là thực tế tuổi thọ bình quân của người Việt Nam những năm gần đây đã tăng nhiều so với giai đoạn trước, khoảng cách giữa tuổi thọ bình quân với tuổi nghỉ hưu bình quân là rất dài nên thực tiễn nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục lao động, có nhu cầu làm việc thêm và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động tiếp.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Tiếp tục câu chuyện “tiến thoái lưỡng nan" ảnh 2Tăng tuổi nghỉ hưu là biện pháp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Bên cạnh đó, dân số nước Việt Nam đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn lão hóa dân số, trong tương lai lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt. Ngoài ra, nếu giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí, tử tuất không đảm bảo trong dài hạn.

Cũng theo dự thảo tờ trình trên, tăng tuổi nghỉ hưu cũng nhằm bảo đảm không phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước Cedaw, công ước của ILO…; tận dụng được nguồn nhân lực có trình độ, kỹ thuật cao và có kinh nghiệm. Nhiều nước trên thế giới cũng đã và đang điều chỉnh tăng tuổi hưu, có nước tuổi nghỉ hưu đã lên tới 67.

Áp lực ngày càng lớn

Tăng tuổi nghỉ hưu được coi là “bài toán” cho tương lai. Ông Carlos Galian, cựu chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã từng cảnh báo rằng, nếu không lựa chọn ngay phương án và lộ trình thích hợp để tăng tuổi nghỉ hưu, Việt Nam có thể sẽ phải mạnh tay hơn khi cải cách bảo hiểm xã hội.

[6 thay đổi trong việc đóng và hưởng chính sách bảo hiểm xã hội mới]

Trong thực tế, việc lần nữa chậm lại quá trình tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa Luật Bảo hiểm xã hội đang khiến cho áp lực lên quỹ hưu trí, hệ thống an sinh xã hội đang ngày càng lớn dần. Trong khi những biện pháp tăng khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội đã được thông qua nhưng đang gặp nhiều trở ngại khi thực hiện thì biện pháp tăng quỹ trực tiếp nhất là tăng tuổi nghỉ hưu vẫn là quyết định khó khăn.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hôi) cho biết, đứng trước nguy cơ mất cân đối quỹ hưu trí với nhiều cảnh báo từ các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, các chính sách bảo hiểm xã hội trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã được cải cách rất nhiều theo hướng bình đẳng hơn trong việc đóng và hưởng, điều chỉnh cơ sở đóng bảo hiểm xã hội tiến gần hơn với thu nhập...

Thế nhưng trong thực tế triển khai Luật Bảo hiểm xã hội (được thông qua năm 2014 và đến năm 2016 mới bắt đầu có hiệu lực) việc thực hiện những chính sách mới để tăng mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội đang bị chậm lại. Thời gian một năm để chuẩn bị các văn bản hướng dẫn để áp dụng ngay khi luật có hiệu lực không làm việc thực hiện các chính sách tăng mức đóng bảo hiểm xã hội dễ dàng hơn. Việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội mặc dù đã có lộ trình tăng dần nhưng vẫn gặp nhiều sức ép do khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, nỗ lực tăng thu cho quỹ bảo hiểm xã hội đang bị chậm lại đáng kể.

Quá trình tăng thu đã được tính toán với đích đến sít sao của quá trình già hoá dân số. Thời điểm đóng bảo hiểm xã hội tính trên thu nhập vào năm 2018 đã gần kề với thời điểm Việt Nam là nước có dân số già. Việc bảo toàn quỹ hưu trí đang là thách thức lớn với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Một trong những phương án tăng thu bảo hiểm xã hội nhanh nhất là tăng tuổi nghỉ hưu lại tiếp tục được xem xét. Đây là cơ hội để có thêm phương pháp cân đối quỹ hưu trí nhưng lại luôn là quyết định khó khăn hơn cả. Mặc dù đã đến lúc kết thúc quá trình “đóng ngắn, hưởng dài” vì một tương lai xa hơn nhưng sẽ rất khó khi “tăng thời gian đóng, giảm thời gian hưởng” của người lao động.

Một “bài toán” tăng tuổi nghỉ hưu cho tương lai cần những bằng chứng, cơ sở thật rõ ràng để có một đáp án thuyết phục người lao động rằng đây là điều có lợi cho họ. Chuyên gia đến từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ cho biết về mối liên quan giữa lương hưu, tuổi nghỉ hưu và việc cân đối quỹ hưu trí./.

Bài 2: Cân đối quỹ hưu trí: Chọn tăng tuổi nghỉ hưu hay giảm lương hưu?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục