Tăng viện phí: Giám sát chặt để tránh lạm dụng xét nghiệm

Việc tăng giá dịch vụ y tế có thể gây nên tác động kép. Bộ Y tế cần có những quy định để điều chỉnh sao cho vừa đảm bảo chi cho người bệnh lại không có tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế để tăng thu.
Tăng viện phí: Giám sát chặt để tránh lạm dụng xét nghiệm ảnh 1Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Hơn một tuần kể từ ngày 1/3, giá của gần 1.900 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng tại hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh trên toàn quốc.

Vậy việc điều chỉnh viện phí lần này đối tượng nào sẽ phải chịu tác động nhiều nhất, và các cơ sở y tế cần làm gì để giúp người dân gặp thuận lợi trong khám chữa bệnh, đồng thời vẫn thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi bảo hiểm y tế của mình?

Phóng viên VietnampPlus đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) để hiểu rõ hơn vấn đề này.

Tác động chủ yếu người đồng chi trả 20%

- Ông có thể phân tích rõ hơn tại sao phải đưa ra việc tăng viện phí như vậy?

Ông Lê Văn Phúc: Giá dịch vụ y tế tăng lần này là thực hiện theo chủ trương của Chính phủ về đổi mới tài chính nói chung, trong đó, có ngành y tế. Như vậy, việc thay đổi cơ chế tài chính này nhằm đảm bảo tốt hơn hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh, tăng chất lượng khám chữa bệnh và tiến tới việc Nhà nước giảm dần việc bao cấp, cấp ngân sách cho ngành y, thay vào đó, hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Cụ thể, từ ngày 1/3 giá dịch vụ y tế chủ yếu áp dụng đối với các bệnh viện hiện nay vẫn được Nhà nước bao cấp chỉ tính thêm phần phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp tiền ngày thường trực, còn phụ cấp lương chưa tính đến. Giá dịch vụ y tế bao gồm cả tiền lương sẽ được tính từ ngày 1/7.

Tuy nhiên với bệnh viện được cấp có thẩm quyền quyết định, các bệnh viện tự chủ, các bệnh viện tư nhân thì đã được áp dụng giá từ ngày 1/3.

- Như vậy, ông có thể phân tích rõ hơn, ai sẽ là người chịu tác động nhiều nhất của việc tăng giá dịch vụ y tế lần này?

Ông Lê Văn Phúc: Lần này việc tăng giá dịch vụ y tế chỉ nhằm vào các đối tượng người tham gia bảo hiểm y tế và người tham gia bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Do vậy, sự tác động của nó không nhiều và tác động chủ yếu với những người phải đồng chi trả 20%, còn lại những người nghèo thì đã được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế 100%, trẻ em cũng không phải chi trả, người cận nghèo cũng chỉ phải đồng chi trả 5%.

Như vậy, việc tăng viện phí lần này có tác động mạnh hơn với đối tượng đồng chi trả 20% như học sinh, sinh viên, người lao động với mức đồng chi trả 20% hay 5%. Tuy nhiên, việc đóng 20% đó chưa nhiều lắm và hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Chẳng hạn như, trước kia một đợt điệu trị của bệnh nhân phải đồng chi trả 20% có chi phí 10 triệu đồng, nay giá dịch vụ y tế tăng 30% thì chi phí là 13 triệu đồng, đồng chi trả 5% thì người bệnh phải bỏ tiền túi 2,6 triệu đồng, trong khi trước đây chỉ phải trả 2 triệu đồng.

Tăng viện phí: Giám sát chặt để tránh lạm dụng xét nghiệm ảnh 2Người bệnh mong mỏi tăng viện phí song hành với tăng chất lượng. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Người bệnh không nên quá lo lắng

- Với lần tăng viện phí này, nhiều người dân mắc bệnh tim mạch và ung thư lo lắng vì chi phí điều trị cho các bệnh này sẽ tăng lên, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Lê Văn Phúc: Đối với lần điều chỉnh này chỉ nhằm vào các thủ thuật, phẫu thuật và cả xét nghiệm, không có điều chỉnh liên quan đến giá thuốc hay vật tư y tế tiêu hao. Chính vì vậy, những người điều trị về tim mạch hay ung thư, đối với bệnh nhân điều trị ung thư chủ yếu bằng thuốc thì không tác động nhiều.

Đối với những bệnh nhân tim mạch thì giá các dịch vụ kỹ thuật trong tim mạch thì có tăng lên một chút và đặc biệt khi mà Bộ Y tế chưa ban hành được danh mục, thông tư quy định cái dịch vụ kỹ thuật hưởng theo tỷ lệ thì chúng ta vẫn đang áp dụng mức 40 tháng lương tối thiểu. Đơn cử như, trước đây ví dụ một bệnh nhân dùng 1 dịch vụ tim mạch chỉ hết 60 triệu​ đồng thôi thì được thanh toán 46 triệu đồng, nhưng giờ dùng dịch vụ tim mạch này lên đến 70 triệu​ đồng thì bệnh nhân đó vẫn chỉ được thanh toán 46 triệu đồng. Như vậy, hạn mức đồng chi trả của bệnh nhân cũng tăng lên.

Hiện nay về cơ bản, hầu hết các dịch vụ đã được Nhà nước quy định thì ​đều được quỹ bảo hiểm y tế chi trả nên người bệnh cũng không nên quá lo lắng.

Ngành y tế phải tăng chất lượng

- Người bệnh khi thấy tăng viện phí thì họ yêu cầu phải tăng chất lượng? Theo ông ngành y tế có đáp ứng được yêu cầu này không trong hoàn cảnh thực tại?

Ông Lê Văn Phúc: Hiện nay việc người bệnh, xã hội đang rất quan tâm là tăng giá thì có tăng chất lượng không? Chúng tôi – về phía bảo hiểm xã hội bảo vệ cho quyền lợi của người bệnh rất muốn, rất hy vọng với việc tăng giá dịch vụ y tế này ngành y tế sẽ tăng được chất lượng.

Với lý do ngành y tế hiện nay sẽ không còn nhận bao cấp của nhà nước về phần tiền lương, và tiền lương dựa vào người bệnh, vào các dịch vụ y tế. Bệnh viện không cung cấp dịch vụ y tế tốt thì người bệnh sẽ bỏ đi và ko có người bệnh thì bệnh viện không có thu nhập và đó là một trong những yếu tố để bệnh viện, mỗi y bác sỹ đều phải nhận thấy rằng mình khám chữa bệnh để tạo công ăn việc làm cho mình, tạo thu nhập cho mình. Bởi vì lương đã kết cấu vào dịch vụ y tế.

Tuy nhiên việc tăng giá dịch vụ y tế này cũng có thể gây nên tác động kép, Bộ Y tế có thể ​có quá nhiều các dịch vụ y tế nên cần phải có những quy định để điều chỉnh sao cho vừa đảm bảo chi cho người bệnh lại không có tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế để tăng thu.

Tăng viện phí: Giám sát chặt để tránh lạm dụng xét nghiệm ảnh 3Lê Văn Phúc - Phó trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Có tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế để tăng thu?

- Như ông vừa nói, có thể xảy ra tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế để tăng thu, ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Ông Lê Văn Phúc: Khi tăng giá dịch vụ kỹ thuật, có thể tăng dịch vụ cung ứng từ các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có những dịch vụ chưa cần thiết mà chúng ta vẫn thường gọi là lạm dụng dịch vụ kỹ thuật y tế, do bệnh viện muốn tăng nguồn thu.

Chẳng hạn, trước đây bệnh viện chỉ định 30% số người đến khám làm các xét nghiệm để chẩn đoán, thì nay có thể tăng lên 50%. Các bệnh viện đầu tư máy chụp chiếu hiện đại, mà đã đầu tư thì bệnh viện có xu hướng tăng chỉ định cho người bệnh để thu hồi vốn nhanh, dù mức độ bệnh chưa đến mức phải sử dụng dịch vụ đó. Hoặc bệnh viện sẽ lách bằng cách tăng người bệnh vào điều trị nội trú để được thu tiền giường nằm; kéo dài chăm sóc sau phẫu thuật...

Vấn đề này cần được giám sát chặt chẽ, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và an toàn của quỹ bảo hiểm y tế. Khi tăng giá dịch vụ kỹ thuật, Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải chi trả nhiều hơn cho các bệnh viện. Sơ bộ đánh giá, chi sẽ tăng 30%.

Vì vậy, Bộ Y tế cần ban hành quy chuẩn trong khám chữa bệnh, có thể quy định tối đa một ngày khám được bao nhiêu người bệnh/bàn khám, tối đa bao nhiêu ca siêu âm, xét nghiệm/máy để bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh và thuận lợi cho bảo hiểm y tế trong thanh toán. Về phía bảo hiểm xã hội, chúng tôi tiếp tục giám sát chặt chẽ việc bệnh viện thu tiền của người bệnh.

Những trường hợp nghi ngờ đó, bảo hiểm xã hội sẽ trực tiếp kiểm tra lại trên hồ sơ bệnh án và không thanh toán nếu có sai phạm… Hàng tháng có từng nhóm giám định 30% hồ sơ bệnh án và kết quả giám định của số hồ sơ này sẽ được áp dụng để thanh toán cho 70% hồ sơ còn lại.

Kết quả thí điểm vừa qua cho thấy, việc sử dụng hệ thống công nghệ thông tin nhận diện sai phạm và giám định theo tỷ lệ nói trên cho kết quả khả quan, các bệnh viện nghiêm túc, cẩn trọng trong việc chỉ định dịch vụ kỹ thuật và lập hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế.

- Hiện vẫn còn 25% số người dân chưa tham gia bảo hiểm y tế. Ông có nghĩ rằng việc tăng giá dịch vụ lần này có thúc đẩy, cảnh tỉnh người dân phải tham gia bảo hiểm y tế?

Ông Lê Văn Phúc: Hiện tại việc tăng viện phí chưa áp dụng với các đối tượng chưa có thẻ bảo hiểm y tế nhưng chắc chắn trong thời gian tới sẽ áp dụng và việc để đảm bảo cho mình không bị những rủi ro về mặt tài chính do bệnh tật thì người dân không còn lựa chọn nào khác là phải tham gia bảo hiểm y tế.

Người tham gia bảo hiểm y tế thì quyền lợi khi đi khám chữa bệnh sẽ được đảm bảo hơn, hạn chế các chi phí tiền túi không rõ ràng và được quỹ bảo hiểm y tế hỗ trợ, không phải tự chi một số tiền lớn khi chăng may ốm đau.

Chúng tôi kỳ vọng người chưa tham gia bảo hiểm y tế sẽ nghiên cứu, tìm hiểu thêm thông tin để thấy được lợi ích, tính nhân văn của chính sách an sinh xã hội cũng như của việc tham gia bảo hiểm y tế và quyết định tham gia.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục