Tảo biển độc đe dọa các vùng duyên hải Pháp

Sự phát triển tràn lan của các loại tảo biển độc hại đang tạo ra ngày càng nhiều các đợt "thủy triều xanh" ở các vùng duyên hải của Pháp.
Sự phát triển tràn lan của hai loại tảo biển có tên khoa học Ulva armoricana và Ulva rotundata, mà người dân địa phương gọi là "rau diếp biển", đang tạo nên ngày càng nhiều những đợt "thủy triều xanh" tại các vùng duyên hải của nước Pháp, nhất là bờ biển phía Bắc và ven biển Địa Trung Hải.

Theo các nhà khoa học, bản thân các loài tảo biển này không độc hại, nhưng khi nó bị cuốn dạt vào các bãi biển và bị phân hủy dưới ánh nắng Mặt Trời, chúng sẽ sinh ra loại khí sunfua hydro có mùi hôi thối và độc hại. Với nồng độ đậm đặc, loại khí này có thể gây ngạt, dẫn đến chết người.

Xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới vào những năm 1970, các loài tảo biển này phát triển mạnh ở những vùng vịnh có dòng nước chảy qua. Cũng như các loài thực vật khác, chúng cần có nắng và hai loại dinh dưỡng là phốtpho và đạm để sống. Những chất dinh dưỡng này lại chính là căn nguyên của mọi vấn đề, vì nó có liên quan đến tập quán sử dụng phân bón trong nông nghiệp và sự dư thừa chất màu ở đất.  

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, việc lạm dụng phân đạm và những cơn mưa rào đã cuốn chất màu của đất ra biển, mang một nguồn dinh dưỡng dồi dào đến cho các loài tảo biển này. Ngoài ra sự nóng lên của Trái Đất cũng góp phần kích thích sự phát triển của các loài tảo lục, đặc biệt là ở vùng biển Địa Trung Hải.

Không chỉ rau diếp biển, một loại tảo khác có tên khoa học là Ostreopsis ovata hiện cũng đang hoành hành ở vùng biển Côte d'Azur. Loại tảo biển này khó nhìn thấy bằng mắt thường và dễ bốc hơi trong không khí khi bị phân rã. Theo ông Rodolphe Lemée, cán bộ nghiên cứu thuộc Viện hải dương học Villefranche-sur-Mer, những người hít phải khí độc do loại tảo này thải ra có thể gặp những triệu chứng khó thở, sốt, ho hoặc cúm.  

Xuất xứ từ vùng biển nhiệt đới, loại tảo này xâm nhập vùng biển Địa Trung Hải vào cuối những năm 1990. Cũng như Pháp, các nước Italia, Tây Ban Nha và An-giê-ri hiện đang phải đương đầu với sự phát triển của loài tảo biển này.

Ngoài ra, một loài vi tảo khác cũng đang khiến các nhà khoa học Pháp đau đầu. Với cái tên khoa học Gambierdiscus toxicus, loài vi tảo này rất độc hại vì nó liên quan đến bệnh sốt vàng da, thường thấy ở các vùng nhiệt đới. Một số loài cá bị nhiễm vi tảo này có thể gây ngộ độc cho người ăn. Loại vi tảo này có nhiều ở vùng biển Hy Lạp, nhưng nay cũng đã xuất hiện ở bờ biển phía Nam nước Pháp.

Theo nhận định của các nhà khoa học, tình trạng khí hậu nóng lên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những loại tảo độc hại này phát triển nhanh và lây lan ngày càng rộng hơn. Để chống lại sự phát triển ồ ạt của các loại tảo biển độc hại, các nhà khoa học cho rằng giải pháp lý tưởng và lâu dài là thay đổi tập quán canh tác nông nghiệp, hạn chế sử dụng phân đạm./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục