Tạo bước đột phá đưa Lào Cai phát triển trong nhiệm kỳ mới

Phóng viên TTXVN phỏng vấn ông Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy Lào cai về một số mục tiêu cơ bản phát triển kinh tế-xã hội và giải pháp trọng tâm đột phá của Đảng bộ Lào Cai trong nhiệm kỳ mới.
Tạo bước đột phá đưa Lào Cai phát triển trong nhiệm kỳ mới ảnh 1Ra mắt Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XV (nhiệm kỳ 2015-2020). (Ảnh: Lục Văn Toán/TTXVN)

Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XV (nhiệm kỳ 2015-2020) đã diễn ra trong 3 ngày từ 22-24/9.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy khóa XIV được tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy khóa XV.

Tại Đại hội, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy Lào cai khóa XV về một số mục tiêu cơ bản phát triển kinh tế-xã hội và giải pháp trọng tâm đột phá của Đảng bộ Lào Cai trong nhiệm kỳ mới.

- Đồng chí có thể cho biết một số mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ tới của Đảng bộ Lào Cai?

Ông Nguyễn Văn Vịnh: Lào Cai phấn đấu đến năm 2020, trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc (là tỉnh khá của khu vực miền núi trung du phía Bắc). Để đạt được mục tiêu tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc, Lào Cai đề ra mục tiêu đạt tốc độ trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm từ 10% trở lên, đứng tốp đầu trong 14 tỉnh miền núi trung du phía Bắc. Năm 2020, GRDP bình quân người/năm đạt 72 triệu đồng. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: nông nghiệp thủy sản: 13%; Công nghiệp - xây dựng: 44,5%; dịch vụ: 42,5%, đứng thứ 2 sau Thái Nguyên.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn là 146 nghìn tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 330 ngàn tấn (bình quân 461 kg/người/năm) cao hơn 2010 là 100kg/người/năm. Giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác trên 75 triệu đồng, cao gấp 2 lần giai đoạn 2010-2015.

Tỉnh có thêm 34 xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới lên 50 xã, đứng thứ 2 sau Lạng Sơn 72 xã. Tổng lượng khách du lịch đến địa bàn là 4 triệu lượt người, tăng gấp 4 lần giai đoạn 2010-2014.

Thu ngân sách trên địa bàn đạt 9 ngàn tỷ đồng, đứng tốp đầu 14 tỉnh miền núi trung du phía Bắc. Từ nay đến 2020, Lào Cai phấn đấu có 54% trong tổng số trên 1.600 trường trường đạt chuẩn quốc gia; 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục phổ thông và tương đương. Tỉnh tạo việc làm cho 55 ngàn lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3 - 4% năm. 100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải.

- Xin đồng chí cho biết giải pháp trọng tâm đột phá của Đảng bộ Lào Cai trong nhiệm kỳ tới?

Ông Nguyễn Văn Vịnh: Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng như đã đề ra, trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ Lào Cai đề ra các giải pháp: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng đảng viên, cán bộ; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh và hệ thống chính trị vững mạnh là nhiệm vụ thường xuyên then chốt.

Tỉnh xác định phát triển nông lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm; Phát triển thương mại du lịch dịch vụ là đột phá;P hát triển công nghiệp là quan trọng. Tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên phát triển kinh tế cửa khẩu du lịch; phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là nông dân; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo y tế, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa hiện đại hóa; chủ động động bảo vệ môi trường tự nhiên, xã hội; Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đến năm 2020, Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc (là tỉnh khá của khu vực miền núi phía Bắc).

Giải pháp mà Đảng bộ đề ra đó là phát huy tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, đồng thời ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động lực, tạo sức lôi cuốn, lan tỏa phát triển tới các địa phương; đẩy mạnh liên kết với các tỉnh với vai trò Lào Cai là trung tâm kinh tế, văn hóa, đối ngoại trong khu vực Tây Bắc; là điểm trung chuyển hàng hóa của các nước tiểu vùng sông Mekong, hành lang kinh tế Côn Minh, Hà Nội, Hải Phòng. Lào Cai thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động trong từng ngành, lĩnh vực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp.

Tỉnh tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn lực; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu đầu tư, giảm đầu tư công, tăng đầu tư của khu vực tư nhân; đa dạng hóa phương thức huy động nguồn lực, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại, chất lượng cao ở đô thị, trung tâm du lịch, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường tại khu vực nông thôn, vùng khó khăn.

Lào Cai chú trọng đổi mới căn bản toàn diện tạo bước đột phá về giáo dục-đào tạo; phát triển, ứng dụng khoa học-công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao gắn với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; phát triển văn hóa thông tin thể thao, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Tỉnh quan tâm phát triển sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động củng cố quốc phòng an ninh, đảm bảo an toàn xã hội; mở rộng đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường ổn định để xây dựng và phát triển kinh tế xã hội; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; động viên nhân dân tích cực lao động sản xuất xây dựng Lào Cai phát triển.

Lào Cai chú trọng củng cố, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh; nâng cao hiệu quả , hiệu lực của hoạt động tư pháp; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ.


- Trân trọng cảm ơn đồng chí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục