Tảo Trang Vũ Tuân Sán: “Người tri túc” thầm lặng của Hà Nội

Có một dòng chảy tri thức cuồn cuộn chảy ngầm dưới sự tĩnh tại vẻ bên ngoài từ những trang sách, những tư liệu quý giá của nhà Hà Nội học đã đi qua ngưỡng trăm tuổi.
Tảo Trang Vũ Tuân Sán: “Người tri túc” thầm lặng của Hà Nội ảnh 1Nhà Hà Nội học Tảo Trang Vũ Tuân Sán lên nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái cuối tháng Tám vừa qua. (Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp)

Tôi chọn đến thăm nhà nghiên cứu Tảo Trang Vũ Tuân Sán một ngày cuối Thu, khi Hà Nội đang hân hoan kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô 10/10.

Căn nhà nằm khiêm nhường tận cuối con ngõ nhỏ trên phố Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), vốn trước đây là một vườn táo, quả sai và thơm nồng hương cây cỏ thiên nhiên, giờ được thiết kế như một quần thể nhỏ mà gắn bó, quy tụ. Nhà các con cháu mỗi người một khoảnh xung quanh, lối đi giữa kéo dài đến cuối vườn là nhà của người cụ, người ông, cha của cả gia đình-tác giả của nghìn trang sách “Hà Nội xưa & nay” trong đó biết bao công trình khảo cứu có tính phát hiện về lịch sử văn hóa Thăng Long, Hà Nội. 

Ngay từ cổng đã có thể cảm nhận rõ ràng một không gian hoàn toàn khác biệt, dường như tách hẳn ra khỏi cuộc sống ồn ào, hối hả nhưng lại không hề thoát tục. Người ta gặp ở đây một nhịp sống yên bình, tĩnh lặng nhưng không xa lánh cuộc đời ở cách bố cục căn nhà và ở chủ nhân của nó. Có một dòng chảy tri thức cuồn cuộn chảy ngầm dưới sự tĩnh tại bên ngoài từ những trang sách, những tư liệu quý giá của nhà Hà Nội học đã đi qua ngưỡng trăm tuổi.

Người tri túc thầm lặng…

Có lẽ, nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán là người còn sót lại của thế kỷ với niềm an lạc, tin tưởng tuyệt đối vào lẽ phải, tin rằng cứ đấu tranh là sẽ có công bằng, chẳng mưu cầu gì cho cá nhân… Tiếp xúc với ông, điều cảm nhận rõ nhất là sức khỏe tinh thần, sức khỏe tư duy tỏa ra từ con người uyên bác ấy. Và có lẽ, ông là con người tri túc hiếm hoi còn sót lại ở đời.

Nhiều năm trước, người ta vẫn thấy ông lặng lẽ đạp xe, lọ mọ khắp nơi đọc văn bia, nối phả, tìm những giá trị còn khuất bóng đem bày cho thiên hạ chiêm ngưỡng - những nguồn tư liệu mà sau đó xuất hiện không ít trong bài vở của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cổ, nhất là văn hóa cổ vùng Hà Nội.

Nay, tuổi cao sức yếu ông mới chịu ngồi nhà, nhưng vẫn không ngừng tiết ra những “giọt mật” từ kho tri thức tích lũy cả cuộc đời và luôn rộng rãi chia sẻ chúng với những ai cần tìm đến. Ông lúc nào cũng trân trọng sự quý trọng của người khác dành cho mình.

Từng theo học trường Luật, vào cái thời mà bác sỹ đã được gọi “quan đốc,” còn tấm bằng cử nhân luật là cánh cửa vào "quan trường," nhưng Vũ Tuân Sán lại nặng lòng với nghiệp chữ nghĩa, văn chương. Tảo Trang Vũ Tuân Sán từng làm việc trong ngành tư pháp trong những năm trước và sau Cách mạng. Ông bảo, khoảng đầu năm 1954 ông từ chức Chánh án tòa án Nam Định, ra làm luật sư chính thức ở Hải Phòng.

Trong bối cảnh nhiều biến động của xã hội thời điểm Giải phóng Thủ đô năm 1954, ông quyết định không di cư vào Nam mà chọn con đường ở lại và cho tới giờ ông vẫn thầm tự hào đó là lựa chọn đúng đắn. Vì đơn giản lúc đó, ông vững tin vào cách mạng.

Nhưng cũng do thế thời, thời thế phải thế, “do những thành kiến ấu trĩ, anh không được đặt vào hoàn cảnh thuận lợi để phát huy hết khả năng của mình,” như lời nhà văn hóa Hữu Ngọc từng nói về bậc tiền bối, trước những cống hiến thầm lặng của nhà Hán Nôm học, pho từ điển sống về đất Kinh kỳ đã chịu nhiều thiệt thòi…

Mãi cho đến tháng Tám vừa qua, Ban tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội mới… sực nhớ tới “con người thế kỷ” Vũ Tuân Sán và vinh danh ông ở hạng mục Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội  (duy nhất một đề cử).

Khi giải thưởng được trao tặng, những người tổ chức giải đã bày tỏ sự ái ngại, áy náy và tự trách vì đã "lỡ quên" ông. Còn với ông, thì từ chối mọi lời ngợi ca, lắc đầu khiêm tốn trước sự bày tỏ ngưỡng mộ của hậu thế. Ngay cả khi ngồi tiếp chuyện tôi, ông cũng cẩn trọng cân nhắc từng từ khi phải nói đôi lời về mình. Ông không muốn người khác nghĩ ông khoa trương những việc mình làm.

Tảo Trang Vũ Tuân Sán: “Người tri túc” thầm lặng của Hà Nội ảnh 2Những trang viết còn rất mới của ông Vũ Tuân Sán. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)

… Viết bản thảo qua kính lúp

100 tuổi nhưng nhà nghiên cứu vẫn mẫn tiệp và hăng say với công việc. Ngày nào ông cũng dành thời gian, chia đều sáng, chiều, tối, vừa soi kính lúp vừa miệt mài suy nghĩ bổ sung những khảo cứu của mình.

Cô Vũ Uyển Vân, con thứ sáu của ông bảo, bây giờ, ông thường chỉ làm việc được khoảng một tiếng là phải nghỉ ngơi. Nếu có nghỉ một quãng vài chục phút, ông cũng nhất định phải đặt đồng hồ, không nghỉ nhiều hơn. Ông đã sống cả đời như thế, nghiêm khắc, kỷ luật và khoa học với chính mình.

Chỉ khi mệt không thể tự viết, ông mới nhờ “thư ký riêng” cũng chính là con gái ghi chép bản thảo, vì như ông bảo, chẳng còn nhiều thời gian, mà lại không muốn bị đứt quãng dòng suy nghĩ nên phải tranh thủ. Đặc biệt, ông vẫn cập nhật tin tức thời sự trong nước, thế giới qua đài và đàm luận với con cháu mỗi ngày.

Ông thích thơ, thích nói chuyện, đàm đạo với các cháu, thích ngắm nhìn các chắt vui đùa và đặc biệt, ông thích trên bàn làm việc lúc nào cũng có một lọ hoa tươi.

Các con ông bảo, sau lần ngã hồi năm 2013 ông bị tụ máu não, may cấp cứu kịp thời nên không để lại di chứng nặng nề, nhưng đi lại khó khăn hơn. Nếu không hằng ngày, ông vẫn có thể đều đặn khoảng 5 giờ 30 đến 6 giờ sáng ông Sán lại dậy tập Thái cực quyền như trước.

Đến giờ, ông không bị bệnh nan y nào do ăn uống khoa học, điều độ, không uống rượu, không dùng thuốc, chè. Con cháu ông thoải mái và phấn khởi vì tuy tuổi cao nhưng ông không khó tính, không giận dỗi và chưa bao giờ thấy ông đòi hỏi một điều gì.

Đây chính là tấm gương về tinh thần đam mê công việc với một nếp sống thanh cao, giản dị cho thế hệ trẻ. “Tấm gương” mà tôi tin rằng nhiều người trong số chúng ta sẽ cảm thấy xấu hổ khi soi vào đó. Bởi, nhiều người trẻ có sức khỏe, có thời gian, có đầy đủ điều kiện và tiện nghi nhưng không đủ ý chí để “nuôi” niềm đam mê công việc đến khi gối mỏi chân chùn như cụ ông đã sống cả thế kỷ này.

Chiếc “đầu tàu” bao dung

Ông có 8 người con (4 trai,4 gái), 15 cháu nội ngoại, 22 chắt. Cứ đến ngày tết Thiếu nhi, tết Trung Thu, ngày Khai giảng và ngày Tết năm mới, bao giờ ông cũng nhắc các con chuẩn bị quà cho cháu, chắt, không kể cháu, chắt đang ở xa hay gần.

Ông giống như chiếc đầu tàu vững chãi, kéo cho cả đoàn tàu chạy đúng đường ray. Điều đặc biệt, là ông không bao giờ “vẽ” đường hay “đặt” chỗ cho con cháu mà thường chỉ định hướng rồi cho chúng tự do phát triển theo năng lực.

Cô Uyển Di, con gái thứ ba của nhà nghiên cứu, chia sẻ: “Chúng tôi học được từ cụ một nếp sống bao dung, yêu thương, tôn trọng nhau, ít đòi hỏi cho bản thân và cố gắng sống làm sao để trong cuộc sống dù có những biến động, thay đổi thì mình cũng phải lựa chọn sống cho đúng đắn. Lúc nào cụ cũng khuyên các con phải phấn đấu, làm việc đúng với hoàn cảnh và khả năng của mình. Cụ nhà tôi rất tâm đắc với từ ‘tri túc,’ có nghĩa là phải biết những cái gì là đủ nhưng lại không an phận...”

"Có một điều đáng tự hào, chúng tôi vẫn nói với nhau là, chúng tôi đã học được từ cụ niềm đam mê công việc, sống và làm việc lặng lẽ, khiêm nhường, không thích phô trương...”

Rời căn nhà nhỏ, theo hàng gạch đỏ dẫn lối, nắng Thu lấp lánh trên những tán xum xuê của khu vườn nhiều hoa lá, lời bài thơ “Về đi thôi” mà nhà nghiên cứu Tảo Trang Vũ Tuân Sán tự nhận "có lẽ là cuối cùng” cứ vương vấn tâm trí tôi về cảm giác an lạc, thảnh thơi…

“Về đi thôi, về đi thôi

Chiều tà, trăng tỏ thảnh thơi đường về

Biển rừng, thành thị, đồng quê

Thiên nhiên, nhân tạo, mọi bề phồn vinh

Đời vui trọn nghĩa vẹn tình

Tâm hồn thanh thản, thân hình trụ không*”

(Chú thích *: Trụ không có nghĩa thực hiện diệu lý "Không": hoạt động tập trung, gác bỏ mọi pha tạp, cần mẫn cho tới cuối đời trước khi chuyển sang cõi khác.)

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục