Tập đoàn VNPT tiếp tục hái “trái ngọt” sau lộ trình tái cơ cấu

Sau hai năm tái cơ cấu, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tiếp tục hái “trái ngọt” với việc vượt nhiều chỉ tiêu đặt ra…
Tập đoàn VNPT tiếp tục hái “trái ngọt” sau lộ trình tái cơ cấu ảnh 1VNPT đã tiến hành cải tổ bộ máy để đạt được những kết quả đáng khích lệ. (Nguồn: TTXVN)

Sau hai năm tái cơ cấu, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tiếp tục hái “trái ngọt” với việc vượt nhiều chỉ tiêu đặt ra…

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 vừa diễn ra sáng nay tại Hà Nội, đại diện VNPT cho hay, tổng doanh thu của tập đoàn trong năm 2015 là 89.122 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch, tăng 7,5% so với 2014; tổng lợi nhuận là 3.280 tỷ đồng, đạt 111,7% kế hoạch, tăng 20% so với năm 2014; tổng nộp ngân sách Nhà nước đạt 3.555 tỷ, tăng 3,9% so với 2014.

Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2015 hoàn thành 113,8% kế hoạch Bộ Thông tin và Truyền thông giao, tăng 20,9% so với thực hiện 2014. Năng suất lao động theo doanh thu kinh doanh viễn thông-công nghệ thông tin đạt 2,044 tỷ đồng/người/năm, tăng 15,55% so với 2014.

[VNPT năm đầu tiên tái cơ cấu: Mùa này quả ngọt, lo nỗi mùa sau...]

Tổng số thuê bao điện thoại của VNPT là 33,7 triệu. Trong đó, thuê bao di động Vinaphone là 29,7 triệu, tăng 3,3 triệu thuê bao so với cuối năm 2014; tổng thuê bao Internet băng rộng đạt 3,2 triệu (trong đó thuê bao FTTx phát triển hơn 4 lần năm 2014).

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho hay, VNPT chính thức được vận hành theo mô hình 3 lớp “Hạ tầng - Dịch vụ - Kinh doanh.”

Để đạt được những kết quả nói trên, VNPT đã đổi mới công tác quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh cùng với việc áp dụng đồng bộ các công cụ quản trị hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin…

Cũng trong năm 2015, VNPT đã lắp đặt thêm khoảng 11.000 trạm thu phát sóng 3G, đưa VinaPhone là mạng di động phủ sóng 3G rộng nhất Việt Nam. Tổng dung lượng Internet quốc tế của VNPT đạt 696 Gbps, tăng gấp 2,3 lần so cuối năm 2014; ra mắt hàng loạt sản phẩm công nghệ cao, tạo điểm nhấn cho công nghệ công nghiệp thông tin truyền thông Việt Nam (như hệ thống truyền hình tương tác đa màn hình trên công nghệ IPTV)…

Bên cạnh đó, VNPT cũng đầu tư xây dựng 2 trung tâm dữ liệu tại Nam Thăng Long (Hà Nội) và Tân Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh) đạt tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu dịch vụ máy chủ và lưu trữ cho khách hàng.

Tập đoàn VNPT tiếp tục hái “trái ngọt” sau lộ trình tái cơ cấu ảnh 2Ông Trần Mạnh Hùng cho biết, VNPT đã có sự thay đổi lớn nhất từ trước tới nay. (Ảnh: P.H/Vietnam+)

Trên cơ sở đã đạt được, VNPT đã quyết định đề ra mục tiêu năm 2016 lợi nhuận tăng 15%, doanh thu tăng 8%, hoàn thành chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu do Bộ Thông tin và Truyền thông giao.

Để đạt mục tiêu này, lãnh đạo VNPT cam kết tiếp tục nâng cao chất lượng mạng lưới, dịch vụ di động. Cùng lúc, đơn vị này sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống kênh phân phối, điểm bán hàng, đổi mới chăm sóc khách hàng…

Bên cạnh đó, VNPT sẽ đầu tư mạng lưới theo phương án hiện đại hóa chuyển đổi đồng-quang và quang hóa đến nhà thuê bao, tối ưu năng lực và vùng phủ mạng vô tuyến 2G/3G/4G, mạng lõi và truyền tải di động và cung cấp dịch vụ 4G khi được cấp phép.

Nếu như trong năm 2015, VNPT đã hoàn thành tái cơ cấu dịch vụ viễn thông thì 2016 là thời điểm tập trung tái cơ cấu khối công nghệ thông tin với việc bám sát các định hướng về chính phủ điện tử; đẩy mạnh thuê ngoài ứng dụng công nghệ thông tin…

Đơn vị này cũng không giấu ý định xây dựng các đơn vị trụ cột sản xuất thiết bị ngoại vi phụ trợ, thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài, mở rộng hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Lào, Campuchia và Myanmar./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục