Tập trung cấp cứu, điều trị cho người bệnh bị rắn độc cắn

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có yêu cầu gửi các đơn vị y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh trực tập trung cấp cứu, hồi sức, điều trị cho người bệnh bị rắn độc cắn không để xảy ra tử vong.
Tập trung cấp cứu, điều trị cho người bệnh bị rắn độc cắn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong thời gian qua, nhiều cơ quan thông tin đại chúng đăng tải nhiều thông tin về việc rắn độc, đặc biệt là về rắn lục đuôi đỏ cắn người, có trường hợp tử vong, gây xôn xao và hoang mang trong một số bộ phận dân chúng tại một số địa phương.

Trước tình hình trên, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có yêu cầu gửi các đơn vị y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh trực tập trung cấp cứu, hồi sức, điều trị cho người bệnh bị rắn độc cắn không để xảy ra tử vong.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho hay, trong trường hợp các cơ sở điều trị cần tư vấn về cấp cứu, điều trị cho người bệnh nặng do rắn độc cắn có thể liên hệ với Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai theo đường dây nóng của Bệnh viện Bạch Mai.

Các đơn vị trên cần tổ chức tập huấn, đào tạo lại về việc sơ cứu, cấp cứu, hồi sức, chống độc, chăm sóc người bị rắn độc cắn cho bác sỹ, điều dưỡng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những nước có nhiều loại rắn độc cắn người có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu đúng và kịp thời. Vì vậy, trong chương trình giảng dạy, đào tạo cho cán bộ y tế từ điều dưỡng, y sỹ, bác sỹ đều có các bài giảng về sơ cứu, cấp cứu và điều trị rắn độc cắn.

Đặc biệt, những trường hợp bệnh nhân nặng do rắn độc cắn phải được cấp cứu chuyên sâu, những nội dung này được các trường đại học y, y dược đào tạo giảng dạy cho các bác sỹ sau đại học về hồi sức cấp cứu, chống độc. Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy… là các cơ sở thực hành rất tốt vì hàng năm đã cấp cứu, điều trị cứu sống hàng chục ca bệnh rất nặng do rắn độc cắn.

Theo ông Khuê, trong việc điều trị rắn độc cắn, huyết thanh kháng độc nọc rắn góp phần rất quan trọng thì hiện nay Viện Vắcxin và Sinh phẩm y tế - Số 9 Pasteur Nha Trang (IVAC) đã sản xuất được trong đó có huyết thanh kháng độc nọc rắn lục đuôi đỏ.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức truyền thông, giáo dục cho nhân dân địa phương vùng hay gặp rắn cắn biết phân biệt bị rắn độc cắn, biết cách tự sơ cứu và đến cơ sở y tế kịp thời để cấp cứu, điều trị.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh giao Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tổ chức tập huấn, đào tạo về lý thuyết và lâm sàng cho cán bộ y tế tại các tỉnh có nhu cầu đào tạo và tiếp tục nghiên cứu cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị cho người bệnh do từng loại rắn độc cắn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục