Tập trung hoàn thiện văn kiện tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc

Phóng viên T​TXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Vĩnh về công tác chuẩn bị văn kiện đại hội và tổ chức thảo luận các dự thảo văn kiện.
Tập trung hoàn thiện văn kiện tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc ảnh 1(Ảnh minh họa: Thế Duyệt/TTXVN)

Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, từ tháng 9 đến hết tháng 10 năm 2015, Đảng bộ Quân đội, Đảng bộ Công an Trung ương, các đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ Ngoài nước và các đảng bộ Khối trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020.

Phóng viên T​TXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Thành viên Tổ Biên tập Tiểu ban Văn kiện Đại hội XII của Đảng về công tác chuẩn bị văn kiện đại hội và tổ chức thảo luận các dự thảo văn kiện.

- Thưa đồng chí, chuẩn bị văn kiện là một trong những nội dung quan trọng của Đại hội Đảng, vậy những yêu cầu trong công tác chuẩn bị văn kiện cho nhiệm kỳ tới có điểm gì đáng lưu ý?

Ông Lê Quang Vĩnh: Theo tinh thần Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị, công tác chuẩn bị văn kiện đại hội đảng bộ phải được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả; phải phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; bảo đảm tăng cường đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; coi trọng chất lượng, không phô trương hình thức; phát huy trách nhiệm, trí tuệ của các cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Văn kiện của cấp ủy trình đại hội đảng bộ gồm hai báo cáo chủ yếu: Báo cáo chính trị của đảng bộ và Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy trong nhiệm kỳ.

Báo cáo chính trị của đảng bộ phải đánh giá sát, đúng tình hình, ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; gắn kiểm điểm việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đảng bộ với thực hiện Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của đảng bộ trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ tới.

Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy cần đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình với thái độ nghiêm túc, thẳng thắn theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng; đánh giá đúng mức kết quả lãnh đạo trong nhiệm kỳ, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan đối với những yếu kém, khuyết điểm và đề ra lộ trình, biện pháp khắc phục.

Điểm mới trong chuẩn bị văn kiện đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 so với nhiệm kỳ trước là trên cơ sở Báo cáo chính trị, các cấp ủy chuẩn bị dự thảo Nghị quyết Đại hội với nội dung chủ yếu bao gồm những nội dung cơ bản, quan trọng nhất của Báo cáo chính trị để cán bộ, đảng viên góp ý và đại hội thảo luận, quyết định.


- Xin đồng chí cho biết rõ hơn tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị qua các cuộc làm việc với Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương về nội dung công tác chuẩn bị văn kiện đại hội?

Ông Lê Quang Vĩnh: Theo tinh thần Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, để bảo đảm thành công của đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020, góp phần vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bắt đầu từ giữa tháng 7 đến hết tháng 9, tương tự như các nhiệm kỳ trước, tập thể Bộ Chính trị tổ chức làm việc với các Đảng bộ Quân đội, Công an Trung ương, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Bộ Chính trị làm việc theo nhóm (có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng cùng dự) với ban thường vụ các đảng bộ trực thuộc Trung ương còn lại để cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự cấp ủy trước khi tiến hành đại hội đảng bộ.

Theo yêu cầu của Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, công tác chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 cần được tiến hành chu đáo, nghiêm túc, kỹ lưỡng theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương, bám sát các quan điểm, chủ trương của Trung ương nêu trong các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng; đồng thời có sự vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của đảng bộ.

Tại các cuộc làm việc nói trên, sau khi nghe đại diện ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương trình bày dự thảo các văn kiện Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020, ý kiến của các ban, bộ, ngành Trung ương, Bộ Chính trị (tập thể hoặc theo nhóm) cho ý kiến vào 3 nhóm nội dung:

Một là, đối với dự thảo Báo cáo chính trị, cho ý kiến về những vấn đề quan trọng như chủ đề Đại hội, kết cấu; đánh giá, nhận định chủ yếu; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn; các định hướng lớn nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng có liên quan trực tiếp đến đảng bộ.

Hai là, đối với dự thảo báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cho ý kiến chủ yếu về tính nghiêm túc, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình của cấp ủy, về nội dung và phương thức lãnh đạo, những kinh nghiệm tốt, cách làm mới trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.

Ba là, đối với dự thảo Nghị quyết Đại hội, cho ý kiến chủ yếu về kết cấu, những nội dung cơ bản của dự thảo Báo cáo chính trị được đưa vào dự thảo Nghị quyết Đại hội.

Đối với cả 3 văn kiện này, yêu cầu chung là phải súc tích, ngắn gọn, cô đọng. Các đánh giá, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong các văn kiện phải bám sát các định hướng lớn, chủ trương, quan điểm của Trung ương Đảng nêu trong các dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng, bảo đảm khả thi, sát hợp với thực tiễn của từng đảng bộ.


- Thưa đồng chí, một trong những nội dung của đại hội là thảo luận, đóng góp ý kiến và dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, vậy việc tổ chức thảo luận các dự thảo văn kiện cần tập trung vào những nội dung gì?

Ông Lê Quang Vĩnh: Quá trình xây dựng và thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các cấp ủy cần tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia và các tầng lớp nhân dân bằng hình thức thiết thực. Bộ Chính trị đã chỉ đạo công bố dự thảo các văn kiện Đại hội XII của Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân.

Các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng được thảo luận, góp ý gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Đối với Dự thảo Báo cáo chính trị, nội dung thảo luận góp ý chủ yếu về: Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011-2015) và kết quả 30 năm đổi mới (1986-2016); mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển kinh tế đất nước trong 5 năm tới (2016-2020); đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển văn hóa, xây dựng con người; quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; nâng cao hiệu quả đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng và về sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.

Đối với Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, nội dung thảo luận, góp ý chủ yếu v​ề ối cảnh quốc tế, tình hình đất nước trước và sau Đại hội XI, đánh giá kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém; những nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, yếu kém; dự báo bối cảnh khu vực, quốc tế, cơ hội, thách thức và tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội nước ta trong thời gian tới; các quan điểm phát triển để tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, tính bao quát và khả thi của Mục tiêu tổng quát các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội...

Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo tổ chức tổng hợp ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng nhằm tiếp thu, hoàn chỉnh các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Trên cơ sở đó, tập hợp trí tuệ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của Đảng và đất nước.

Thông qua đó, phát huy dân chủ trong Đảng và toàn xã hội, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; giúp các cấp ủy nắm được xu hướng tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên để bổ sung, hoàn thiện và phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục