Tập ứng phó sóng thần

Quảng Ngãi: Hơn 2.000 người tập ứng phó sóng thần

Sáng 29/8, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức diễn tập ứng phó sóng thần trên địa bàn huyện Đức Phổ với sự tham gia của hơn 2.000 người.
Sáng 29/8, tại xã Phổ Thạnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và huyện Đức Phổ tổ chức diễn tập ứng phó sóng thần và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện.

Đây là cuộc diễn tập có quy mô lớn nhất, lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh, với sự tham gia đông đảo của lực lượng vũ trang, chính quyền các cấp và khoảng 2.000 người dân.

Mục đích của cuộc diễn tập nhằm kiểm nghiệm hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin, truyền phát tin thông báo, cảnh báo sóng thần; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy điều hành của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp; kiểm tra đánh giá khả năng huy động sức mạnh theo phương châm “4 tại chỗ” cho công tác ứng phó với sóng thần và tìm kiếm cứu nạn.

Cuộc diễn tập cũng góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin, truyền phát tin thông báo, cảnh báo sóng thần và bổ sung vào kế hoạch, phương án ứng phó sóng thần tìm kiếm cứu nạn sát với thực tiễn, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống; thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư chủ động phòng tránh, sẵn sàng ứng phó khi sóng thần xảy ra.

Theo kịch bản, khoảng 8 giờ ngày 29/8, nhận tin cảnh báo về khả năng động đất tại Philippines gây ra sóng thần trên Biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Đức Phổ, các cơ quan chức năng huyện đã phát tin cảnh báo đến cộng đồng khu dân cư, cơ quan trường học, các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng sóng thần. Đồn Biên phòng Sa Huỳnh dùng còi báo động, sử dụng máy Ecom thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào neo đậu ven biển sơ tán tránh sóng thần.

Sau cảnh báo khoảng 45 phút, trận động đất cường độ 8,8 độ richter xảy ra ngoài khơi phía Tây đảo Luzon/Philippines đã ảnh hưởng đến khu vực bờ biển Quảng Ngãi, có nhiều đợt sóng cao từ 5-8m liên tục tràn vào bờ biển Phổ Thạnh. Dọc bờ biển, sóng thần tràn sâu vào khoảng 200-300m, có nơi 600-700m, một số vùng ven biển ngập sâu từ 4-8m.

Ủy ban Nhân dân huyện Đức Phổ đã chỉ đạo các địa phương triển khai biện pháp ứng phó sóng thần. Lãnh đạo xã Phổ Thạnh đã tổ chức hướng dẫn 1.000 dân thôn Thạch Bi 2 và du khách sơ tán lên khu vực núi Đá Heo và khu vực đồn biên phòng Sa Huỳnh; hơn 1.000 dân khu vực Đông xóm Cồn thôn Thạch Bi 1 khẩn trương vượt tắc qua sông sơ tán khu vực bình độ 50 của điểm cao 95.

Nhân dân khu vực Tây xóm Cồn di chuyển lên đồn biên phòng Sa Huỳnh lánh nạn. Tại trường trung học cơ sở Phổ Thạnh gần sát cửa biển Sa Huỳnh, các thầy cô nhanh chóng tập hợp học sinh chuẩn bị sơ tán tránh sóng thần.

Đồn Biên phòng Sa Huỳnh hướng dẫn 150 tàu thuyền có công suất từ 45CV di chuyển xa bờ từ 1000m trở lên, 90 tàu thuyền hoạt động gần bờ nhanh chóng neo đậu và sơ tán ngư dân đến nơi an toàn. 3 tàu ngư dân không kịp chạy vào bờ, được hướng dẫn chạy ra khơi, đồng thời điều tàu cứu nạn tiếp cận 3 tàu này để lai dắt vào bờ trú an toàn. Lực lượng công an chốt giữ các ngã 3, ngã 4 hướng dẫn người dân sơ tán, không đi vào khu vực nguy hiểm.

Các y, bác sỹ Trung tâm y tế xã Phổ Thạnh và Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm điều xe cứu thương vận chuyển những người già yếu, đau ốm và cấp cứu những người bị nạn trong qua trình sơ tán. Sau khi sóng thần đi qua, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chính quyến địa phương các cấp đến các khu vực bị thiệt hại để tham gia cứu người bị nạn, tìm kiếm người mất tích và triển khai biện pháp khắc phục hậu quả do sóng thần gây ra.

Cuộc diễn tập ứng phó sóng thần và tìm kiếm cứu nạn năm 2012 diễn ra thành công. Ngay sau buổi diễn tập, Ban tổ chức đã họp rút kinh nghiệm./.

Đinh Thị Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục