Tất cả 68 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành Đại hội

Đến ngày 3/11, tất cả 68 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 (riêng Đảng bộ Ngoài nước tổ chức Hội nghị đại biểu Đảng bộ).
Tất cả 68 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành Đại hội ảnh 1Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII. (Ảnh minh họa: Nguyễn Dân​/TTXVN)

Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đến ngày 3/11, tất cả 68 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 (riêng Đảng bộ Ngoài nước tổ chức Hội nghị đại biểu Đảng bộ).

Các đảng bộ trực thuộc Trung ương đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, hướng dẫn của cấp trên. Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng, bảo đảm tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo không khí phấn khởi trước, trong và sau đại hội.

Xác định mục tiêu nhiệm vụ sát thực tiễn

Bám sát chủ trương, quan điểm và các định hướng lớn của Trung ương Đảng nêu trong các dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng, trên cơ sở đánh giá đúng, toàn diện kết quả trên các lĩnh vực, Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, các đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ tới, bảo đảm tính khả thi, sát hợp với thực tiễn của từng đảng bộ.

Nhấn mạnh công tác “Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt,” các đảng bộ xác định tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong hệ thống chính trị; tăng cường xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch vững mạnh, đoàn kết, thống nhất; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; coi đây là nhiệm vụ then chốt có ý nghĩa quyết định để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ Thành phố Hà Nội xác định: "... phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại." Phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô, Hà Nội phấn đấu đưa cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp, có nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững. Văn hóa-xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; quốc phòng-an ninh được củng cố vững chắc; quan hệ đối ngoại được mở rộng, nâng cao vị thế và uy tín của Thủ đô.

Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí quan trọng, một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị rất quan trọng của cả nước. Trên cơ sở phát huy mạnh mẽ kết quả đạt được trong 5 năm qua và những kinh nghiệm thực tiễn qua 30 năm đổi mới, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định không ngừng phấn đấu vươn lên, năng động, sáng tạo, tiếp tục phát triển với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh tập trung huy động mọi nguồn lực, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình; giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế-xã hội; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Là tỉnh địa đầu của Tổ quốc, Đảng bộ tỉnh Hà Giang xác định tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; khai thác hợp lý, có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh; phấn đấu đến năm 2020 Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Hà Giang đã đề ra hai khâu đột phá là nâng cao chất lượng công vụ và xây dựng chính sách, vận dụng cơ chế, đưa chính sách vào cuộc sống nhằm phát triển nhanh và bền vững; ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất.

Để có bước phát triển mới, đi lên mạnh mẽ và thoát khỏi là tỉnh nghèo nhất nước, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã thông qua một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng; có cơ chế để huy động mọi nguồn lực xã hội; ưu tiên phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây trồng tiềm năng, thế mạnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh phát triển công nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường; thương mại, dịch vụ, du lịch theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng; quản lý có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên-môi trường; ưu tiên phát triển khoa học và công nghệ.

Phát huy truyền thống “Trung dũng-Quyết thắng” và sức mạnh đoàn kết toàn dân, Đảng bộ Thành phố Hải Phòng xác định mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo sự phát triển đột phá; hướng tới xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại. Thành ủy xác định 7 định hướng lớn và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới trong đó, nhóm nhiệm vụ, giải pháp đột phá được xác định là “Đẩy mạnh thu hút đầu tư; tận dụng cơ hội mới về mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; phát huy hiệu quả lợi thế vị trí địa kinh tế với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, vượt trội, nhất là cảng biển, cảng hàng không quốc tế, hệ thống đường ôtô cao tốc. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển Hải Phòng thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao."

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng và phát triển thành phố trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa-xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung-Tây Nguyên; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của cả nước; phấn đấu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại. Ba đột phá về phát triển kinh tế-xã hội được thành phố xác định là phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại; tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm, xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Với mục tiêu xây dựng Đắk Lắk phát triển toàn diện, tạo nền tảng để sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Nguyên, Đảng bộ Đắk Lắk xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020 là xây dựng Đảng bộ trong sạch, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng để huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, từng bước đầu tư hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo vững chắc quốc phòng-an ninh, duy trì trật tự an toàn xã hội.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ văn minh, hiện đại, xứng tầm với vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đảng bộ thành phố Cần Thơ đã đề ra bốn giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ tới với ba khâu đột phá. Các giải pháp là tiếp tục thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế với tốc độ cao; huy động các nguồn lực, xây dựng và phát triển thành phố văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; nâng cao hiệu quả công tác hợp tác phát triển, công tác đối ngoại, đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế; phát triển văn hóa-xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Trong 5 năm tới (2015-2020), Đảng bộ tỉnh Kiên Giang xác định huy động mọi nguồn lực khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường quốc phòng-an ninh, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc.

Tỉnh Kiên Giang xác định ba khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội gồm tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển; tranh thủ mọi nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; xây dựng, phát triển huyện đảo Phú Quốc theo mô hình đặc khu kinh tế để trở thành động lực phát triển của tỉnh.

Là địa phương ở cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau đã thông qua nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên hàng đầu là phát triển ngư-nông-lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới...

Sáng suốt lựa chọn cán bộ tiêu biểu vào cấp ủy

Công tác nhân sự cấp ủy khóa mới được các Đảng bộ chuẩn bị chặt chẽ, kỹ lưỡng, đúng quy trình, phát huy dân chủ, cơ bản đảm bảo tốt yêu cầu về tiêu chuẩn và số lượng theo Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 26 của Ban Tổ chức Trung ương và chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên.

Tại các đại hội, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã sáng suốt lựa chọn được những người có đủ tiêu chuẩn theo các quy định của Trung ương, tiêu biểu cho Đảng bộ tham gia vào Ban Chấp hành Đảng bộ để gánh vác trách nhiệm lãnh đạo Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới và tham gia Đoàn đại biểu của Đảng bộ đi dự Đại hội XII của Đảng, đóng góp tích cực vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Kết quả tổng hợp bước đầu cho thấy, Đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương đã bầu tổng số 3.502 Ủy viên Ban Chấp hành. Nhiều đơn vị có kết quả bầu với tỷ lệ cán bộ nữ trong Ban Chấp hành cao hơn 15% như: Bắc Giang, Thừa Thiên-Huế, Cần Thơ (15,09%); Bến Tre (15,38%); Lào Cai, Bắc Ninh, Ninh Bình, Tây Ninh (15,69%); Lạng Sơn (16,67%), Hưng Yên (16,98%); Phú Yên, Đồng Nai (17,31%); Yên Bái (17,65%); Quảng Ninh (17,86%); Lâm Đồng (18,52%); Cao Bằng, Sơn La (21,82%); Thành phố Hồ Chí Minh (21,74%); Bình Phước ( 21,82%); Kiên Giang (25%); Tuyên Quang (27,65%).

Một số đảng bộ có tỷ lệ cán bộ trẻ trong Ban Chấp hành cao hơn 10% như Quảng Nam (10,71%); Hà Tĩnh (10,9%); Điện Biên (11,54%); Phú Yên (11,54%); Thành phố Hồ Chí Minh (11,6%); Lào Cai (11,76%); Kon Tum (12,69%); Đà Nẵng (13,46%); Bình Phước (14,5%); Bắc Kạn (16%). Tổng số ủy viên Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương đã được bầu là 965 đồng chí.

Một số đại hội có kết quả bầu cán bộ nữ trong Ban Thường vụ trên 15% như: Kiên Giang (18,75%); Cao Bằng, Trà Vinh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương (20%); Thành phố Hà Nội (25%); Thành phố Hồ Chí Minh (26,67%); Bình Phước (31,25%).

Các tỉnh ủy, thành ủy Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Quảng Nam, Phú Yên, Gia Lai, Đà Nẵng, Cà Mau, Bình Thuận, Kiên Giang, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu có cán bộ trẻ tham gia Ban Thường vụ.

Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ nhiều nơi còn thấp hơn so với yêu cầu của Chỉ thị 36-CT/TW. Các Đảng bộ: Thái Bình, Khánh Hòa, Bình Định, Hậu Giang không có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đảng bộ các tỉnh Hưng Yên, Trà Vinh không có cán bộ trẻ tham gia Ban Chấp hành.

Các đảng bộ có tỷ lệ người dân tộc tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 trên 20% là: Yên Bái (27,5%); Lào Cai (33,3%); Đắc Lắk (30,36%); Lai Châu (32%); Điện Biên (35,54%); Sơn La (43,6%); Hà Giang (42,6%); Lạng Sơn (53,7%); Tuyên Quang (43,14%); Hòa Bình (70,4%); Bắc Kạn (72%).

Tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương, 61 Bí thư cấp ủy đã được bầu, trong đó 39 Bí thư tái cử; 2 Bí thư dưới 40 tuổi (Đà Nẵng, Kiên Giang); 3 Bí thư là nữ (Vĩnh Phúc, Ninh Bình, An Giang). Bộ Chính trị chỉ định cán bộ giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn nhiệm kỳ 2015-2020. Ban Chấp hành Đảng bộ Ngoài nước do Ban Bí thư chỉ định. Như vậy, 63/68 Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã có Bí thư cấp ủy.

Bộ Chính trị sẽ phân công cán bộ giữ chức: Bí thư Quân ủy Trung ương, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục