Tây Nguyên chưa kiểm soát được việc phát triển tự phát cây hồ tiêu

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn ồ ạt tự ý mở rộng diện tích cây hồ tiêu dẫn đến diện tích loại cây này tăng lên từng ngày.
Tây Nguyên chưa kiểm soát được việc phát triển tự phát cây hồ tiêu ảnh 1Hợp tác xã kiểu mới với mô hình trồng tiêu sạch. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn ồ ạt tự ý mở rộng diện tích cây hồ tiêu dẫn đến diện tích loại cây này tăng lên từng ngày.

Hiện nay, diện tích cây hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên đã tăng lên trên 70.000ha, tăng trên 16.200ha so với năm 2015; trong đó, diện tích cho thu hoạch mới có khoảng 35.000ha, diện tích còn lại chủ yếu mới trồng đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản.

Tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông là hai địa phương có diện tích cây hồ tiêu tăng nhanh nhất và có diện tích cây hồ tiêu nhiều nhất so với các tỉnh khác của vùng Tây Nguyên.

Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, nguyên nhân diện tích cây hồ tiêu ở Tây Nguyên tăng ồ ạt tự phát là do trong vài năm trở lại đây, giá tiêu hạt trên thị trường luôn ở mức cao (có lúc tăng lên trên 220.000 đồng/kg, hiện nay “ rớt” xuống còn 136.000 đến 137.000 đồng/kg) hơn so với nhiều loại nông sản chủ lực khác của vùng Tây Nguyên.

Vì vậy, đồng bào các dân tộc bất chấp khuyến cáo của các ngành chức, địa phương mở rộng diện tích không theo quy hoạch, kế hoạch.

Thậm chí, nhiều địa phương ở các tỉnh Tây Nguyên còn không kiểm soát được tình trạng tăng diện tích cây hồ tiêu để vượt xa so với kế hoạch diện tích đến năm 2020.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk sẽ đưa diện tích cây hồ tiêu tăng lên 15.000 ha nhưng hiện nay đã có 27.385ha, tỉnh Đắk Nông theo kế hoạch đến năm 2020 diện tích cây hồ tiêu là 8.000ha nhưng hiện nay đã có 24.769ha…

Thực tế, nhiều hộ đồng bào các dân tộc ở các địa bàn Tây Nguyên sau vài năm phát triển cây tiêu không những xóa nghèo mà còn vươn lên làm giàu, có nhiều xã ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai có buôn làng tỷ phú…

Trong thời gian tới, khi diện tích trồng mới đưa vào kinh doanh cho thu hoạch thì sản lượng hồ tiêu ở Tây Nguyên sẽ tăng lên đáng kể (năm 2016, sản lượng tiêu toàn vùng gần 121.000 tấn).

Cây hồ tiêu là cây công nghiệp dài ngày, có chu kỳ kinh doanh kéo hàng chục năm, vốn đầu tư ban đầu lớn, bình quân 500 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, nhiều hộ đồng bào các dân tộc đưa cây tiêu vào trồng ở những chân đất không thích hợp, vùng đất trũng dễ bị ngập nước, sử dụng các giống tiêu không rõ nguồn gốc để trồng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh nhất là bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm.

Ngay trong mùa khô năm 2016, các tỉnh Tây Nguyên đã có trên 7.200ha hồ tiêu bị khô hạn; trong đó, có gần 850ha bị mất trắng làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Riêng tỉnh Đắk Lắk có trên 5.000ha tiêu bị khô hạn và hàng trăm ha bị dịch bệnh chết nhanh chết chậm làm thiệt hại cho đồng bào các dân tộc hàng trăm tỷ đồng… 

Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đề nghị các tỉnh Tây Nguyên cần chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương giám sát phát triển cây hồ tiêu đúng theo quy hoạch, kế hoạch, quản lý chặt chẽ các vườn ươm tiêu giống.

Đồng thời khuyến cáo đồng bào các dân tộc không nên sử dụng các giống tiêu không rõ nguồn gốc… để góp phần phát triển bền vững cây hồ tiêu trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục