Tây Nguyên chuyển đất bỏ hoang sang trồng mía cho hiệu quả cao

Hiện các tỉnh Tây Nguyên có trên 57.444ha mía; trong đó, Gia Lai là địa phương có diện tích mía lớn nhất với 38.000ha, tiếp đến Đắk Lắk là 17.027ha.
Tây Nguyên chuyển đất bỏ hoang sang trồng mía cho hiệu quả cao ảnh 1Thu mua mía ở Kon Tum. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện các tỉnh Tây Nguyên có trên 57.444ha mía; trong đó, Gia Lai là địa phương có diện tích mía lớn nhất với 38.000ha, tiếp đến Đắk Lắk là 17.027ha, diện tích mía, còn lại là của các tỉnh Kon Tum và Đắk Nông.

Phần lớn số diện tích trên được chuyển từ các vùng đất xám, đất cát pha bỏ hoang hóa sang trồng mía mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cụ thể, tại huyện M’Đrắk thuộc tỉnh Đắk Lắk, đồng bào các dân tộc đã chuyển trên 5.825ha đất cát pha, đất xám hoang hóa, gò đồi tại các xã Ea Pil, Cư Prao, Krông Á, Krông Jin nằm ở dưới chân núi Phượng Hoàng sang trồng mía.

Đồng bào đã xem cây mía là cây thoát nghèo nhanh, bền vững. Nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện M’Đrắk qua một niên vụ mía đã thu lãi từ 60-80 triệu đồng.

Các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai (vùng trọng điểm mía của tỉnh) như Đắk Pơ, thị xã An Khê đã hướng dẫn đồng bào chuyển các vùng đất xám, đất cát pha trước đây gieo trồng các loại cây ngắn ngày đạt hiệu quả kinh tế thấp, hoặc bỏ hoang hóa sang trồng mía đường để tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Các công ty mía đường trên địa bàn cũng như các tỉnh lân cận như Công ty mía đường An Khê, Công ty mía đường - nhiệt điện Gia Lai thuộc tỉnh Gia Lai, Công ty mía đường 333 thuộc tỉnh Đắk Lắk và các Công ty mía đường của các tỉnh Khánh Hoà, Đắk Nông… đã liên kết, phối hợp cùng với các địa phương vùng Tây Nguyên đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, công trình thủy lợi tại vùng sản xuất mía.

Nhiều công ty mía đường ký hợp đồng với nông dân ứng trước tiền, mía giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện để bà con nông dân yên tâm sản xuất, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường hoạt động.

Hiện, đồng bào các dân tộc đã đưa giống mía mới như K84-200, QĐ93-159, ROC 25, F156, R 570, R 579, K88-65… vào trồng đại trà, đồng thời, bước đầu thực hiện tốt các biện pháp thâm canh nên năng suất luôn đạt từ 60 tấn mía cây/ha trở lên.

Ngay tại các huyện Ea Kar, M’Đrắk là những vùng chuyên canh mía đường lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk hàng năm đến kỳ thu hoạch, đồng bào các dân tộc thống nhất với các công ty mía đường ngày thu hoạch để doanh nghiệp sắp xếp lịch đưa tiền, phương tiện đến cân đong, thu mua mía ngay tại đồng ruộng giúp đồng bào giảm thời gian đi lại, cước phí vận chuyển…

Hiện, đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên đang tích cực chăm sóc, phòng chống cháy để chuẩn bị thu hoạch vụ mía năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục