Tây Nguyên đạt sản lượng lượng thực cao nhất từ trước đến nay

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, năm 2014, các tỉnh Tây Nguyên đã đạt sản lượng lương thực cao nhất từ trước đến nay, với trên 2,561 triệu tấn, tăng hơn năm ngoái gần 100.000 tấn.
Tây Nguyên đạt sản lượng lượng thực cao nhất từ trước đến nay ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, năm 2014, các tỉnh Tây Nguyên đã đạt sản lượng lương thực cao nhất từ trước đến nay, với trên 2,561 triệu tấn, tăng hơn năm ngoái gần 100.000 tấn.

Đắk Lắk là địa phương có sản lượng lương thực cao nhất với gần 1,240 triệu tấn, tiếp đến là tỉnh Gia Lai đạt 567.713 tấn.

Trong mấy năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các tỉnh Tây Nguyên đã khai hoang mở rộng diện tích gieo sạ cây lúa nước hai vụ (Đông Xuân và Hè Thu) tăng lên trên 238.351ha, đồng thời, đầu tư xây dựng trên 2.000 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ đưa nước về phục vụ tốt yêu cầu thâm canh cho cây lúa.

Đối với những diện tích lúa không chủ động được nguồn nước, nguồn nước bấp bênh, các tỉnh Tây Nguyên hướng dẫn bà con nông dân chuyển sang gieo trồng các loại cây đậu đỗ, ngô lai mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong số này, Đắk Lắk cũng là địa phương có diện tích, năng suất cây lúa nước, ngô lai nhiều nhất so với các tỉnh Tây Nguyên (diện tích lúa gần 95.000ha, ngô lai 121.060ha).

Cùng với việc khai hoang mở rộng diện tích, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đã chú trọng đưa các giống lúa lai, giống lúa xác nhận vào gieo sạ đại trà, nhất là cơ cấu giống lúa ngày càng đa dạng, phong phú như ML48, OM900, CT16, HT1, Q5, Bio404, Syn6, BTE-1, I64, VND95-20, GS9, TH3-3, TH3-5...

Các huyện như Ea Kar, Krông Pắk, Krông Ana, Lắk, Ea Súp (Đắk Lắk) đã đạt năng suất lúa Đông Xuân từ 70-76 tạ thóc/ha. Đồng thời, các tỉnh này sử dụng các giống ngô lai F1 như NK67, NK7328, SSC586, LVN66, CP888, 30Y... vào gieo trồng đại trà cho năng suất cao.

Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo giới thiệu các giống lúa lai, ngô lai, hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh, xây dựng thí điểm các mô hình cánh đồng mẫu trên cây lúa, cây ngô lai, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, hình thành các mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học, nhà quản lý.

Đặc biệt, các tỉnh Tây Nguyên hiện nay không những đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ mà còn xuất bán cho các tỉnh, thành phố trong cả nước, xuất khẩu, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân trên địa bàn.

Hiện nay, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung gieo sạ lúa vụ Đông Xuân, đồng thời tu bổ, sửa chữa các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ tốt yêu cầu thâm canh cây lúa và hoa màu để đạt năng suất, sản lượng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục