Tây Nguyên từng bước phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 15/1, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2009 và bàn biện pháp công tác năm 2010.
Ngày 15/1, tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2009 và bàn biện pháp thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2010.

Theo đánh giá tại hội nghị, năm 2009, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế; tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được cải thiện, nhất là hạ tầng đô thị, giao thông, bưu chính viễn thông và các trung tâm huyện, xã mới thành lập.

Giá trị tổng sản phẩm (GDP) đạt 33.727 tỷ đồng, tăng 12,9%; xuất khẩu vượt qua khó khăn về thị trường  để đạt kim ngạch gần bằng năm 2008 với 1,29 tỷ USD.

Sản xuất công nghiệp trong khu vực tăng trưởng khá, đã thu hút thêm hàng trăm dự án mới với tổng vốn thực hiện gần 3.940 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đổi mới cơ cấu, chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, vừa bảo đảm sản xuất lương thực, vừa mở rộng sản xuất cây công nghiệp phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Các ngành dịch vụ, du lịch đạt mức tăng trưởng khá, mạng lưới ngân hàng và tín dụng tiếp tục được củng cố, tăng huy động vốn, đáp ứng kịp thời vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế.

Đây cũng là năm Tây Nguyên đạt nhiều kết quả trong việc giảm nghèo, củng cố những thành tựu về giáo dục, y tế, văn hóa, cải thiện đời sống của nhân dân.

Toàn vùng đã đào tạo nghề cho 24.000 người, giải quyết việc làm cho 102.200 lao động, trong đó có 860 lao động xuất khẩu, đẩy mạnh cho vay phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng giảm nghèo. Năm 2009,  tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đã giảm từ 16,15% xuống 13,06%.

Hệ thống trường lớp, cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục được củng cố ở hầu hết các địa bàn dân cư, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, đã có 96% số xã hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 85% số xã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; tỷ lệ trong độ tuổi đến trường giữ vững 98,7%...

Chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số đã được thực hiện tiến bộ hơn so với những năm trước. Các tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách linh hoạt trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giao rừng, cho đồng bào vay vốn trồng cao su, chăn nuôi gia súc, xây dựng nhiều chương trình, dự án lồng ghép với các chương trình của Chính phủ để phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất đời sống vùng dân tộc thiểu số.

Trên cơ sở phát huy nội lực của quần chúng, tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng Kinh-Thượng và sự hỗ trợ của Nhà nước, các tỉnh đã đầu tư khá tốt cho công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số.

Về xây dựng hệ thống chính trị, cùng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, Đảng viên", trong năm 2009 các cấp ủy ở Tây Nguyên đã tập trung chỉ đạo khá tốt công tác phát triển tổ chức Đảng và đảng viên ở các địa bàn dân cư.

Toàn vùng đã kết nạp 9.500 đảng viên mới, trong đó 275 là người có đạo, 1.833 là người dân tộc thiểu số (tỷ lệ kết nạp đảng viên có đạo và dân tộc thiểu số cao nhất trong những năm gần đây), thành lập mới 423 chi bộ.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức thành công Hội nghị phát triển kinh tế-xã hội 26 huyện miền núi giáp Tây Nguyên, làm cơ sở để Thủ tướng Chính phủ cho phép các huyện được hưởng một số chính sách đang thực hiện tại Tây Nguyên.

Ban Chỉ đạo cũng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thành công Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên 2009; đã thông báo danh mục 122 dự án kêu gọi đầu tư, với tổng vốn gần 100.000 tỷ đồng; kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp 70 tỷ đồng xóa nhà tạm cho người nghèo, góp phần thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ...

Năm 2010 là năm đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XI, đồng thời là năm cuối thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên (2001-2010).

Ban Chỉ đạo đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng khối đoàn kết dân tộc, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đập ta mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và bọn phản động FULRO, duy trì tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giải quyết cơ bản những vấn đề kinh tế-xã hội cấp bách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giữa vững ổn định chính trị.

Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận và thống nhất những nhiệm vụ trong tâm của Ban trong năm 2010. Trước mắt, tập trung đầu tư theo tinh thàn Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị để đến hết năm 2010 phải hoàn thành cơ bản đường giao thông, hệ thống điện và bảo đảm đất sản xuất cho các buôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Bên cạnh đó, cần tăng cường chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có những giải pháp quyết liệt sớm hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của Chương trình 134, nhất là giải quyết đất sản xuất và nước sinh hoạt, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào nghèo; tổ chức thực hiện tốt chương trình dạy nghề.

Trong quá trình chuẩn bị công tác đại hội Đảng các cấp, cần coi trọng việc bảo đảm cơ cấu, tỷ lệ cán bộ chủ chốt người dân tộc thiểu số trong nhiệm kỳ mới./.

Văn Sơn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục