Tây Nguyên xây dựng mới 55 trường dân tộc nội trú

Đến nay các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng mới 55 trường phổ thông dân tộc nội trú, tăng 10 trường so với năm học 2005-2006
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến nay các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng mới 55 trường phổ thông dân tộc nội trú, tăng 10 trường so với năm học 2005-2006; trong đó, có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, còn lại 50 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, thu hút hàng chục ngàn học sinh dân tộc thiểu số đến học tập.

Đắk Lắk là địa phương có số trường phổ thông dân tộc nội trú nhiều nhất, với 15 trường (1 trường trung học phổ thông cấp tỉnh, 14 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, thành phố), tăng 3 trường so với năm học 2005- 2006 và thu hút gần 2.900 học sinh dân tộc thiểu số; với khoảng 600 học sinh trung học phổ thông, còn lại là học sinh trung học cơ sở. Tỉnh Gia Lai cũng đã xây dựng 15 trường phổ thông dân tộc nội trú; trong đó, có một trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh còn lại là phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện.

Các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú kiên cố, khang trang từ lớp học đến nhà nội trú, nhà bếp, nhà ăn, trang bị các trang thiết bị phục vụ tốt việc giảng dạy, học tập, sinh hoạt cho thầy và trò.

Các trường phổ thông dân tộc nội trú ở các huyện trên địa bàn Tây Nguyên đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày, tăng cường dạy phụ đạo cho học sinh dân tộc 10 tiết/tuần; chú ý đến việc tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 9, lớp 12; triển khai đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cải tiến phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Các trường phổ thông dân tộc nội trú ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đưa bộ môn tiếng, chữ dân tộc thiểu số chủ yếu tại địa phương vào giảng dạy. Ngay tại tỉnh Đắk Lắk, hiện nay đã có 13 trường phổ thông dân tộc nội trú với 34 lớp, gồm gần 1.250 học sinh trung học cơ sở là người dân tộc Êđê theo học tiếng Êđê....

Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã mở rộng việc đầu tư xây dựng hàng chục trường phổ thông nội trú, bán trú dân nuôi. Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên còn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chế độ, chính sách từ cấp sách giáo khoa, vở viết, bảo hiểm y tế đến hỗ trợ tiền ăn… cho học sinh dân tộc thiểu số ở các trường phổ thông dân tộc nội trú nội trú, bán trú dân nuôi, góp phần tạo điều kiện thuận lợi giúp cho các cháu yên tâm để học tập tốt./.

Quang Huy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục