Tây Nguyên xóa bỏ dần tập quán thu hoạch càphê quả xanh

Trước đây, nhiều nông hộ sản xuất càphê ở các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và Đắk Nông thường có quan niệm “xanh nhà còn hơn già đồng” nên khi vườn càphê chỉ mới có 50% quả chín là bắt đầu thu hoạch.
Tây Nguyên xóa bỏ dần tập quán thu hoạch càphê quả xanh ảnh 1Vườn càphê. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Hiện nay, càphê ở các tỉnh Tây Nguyên đã bắt đầu chắc hạt, già, một số vườn chín bói. Các nông hộ tăng cường bảo vệ để vườn càphê chín đều, đạt tỷ lệ quả chín từ 90% trở lên mới đưa vào thu hoạch đại trà nhằm góp phần nâng cao chất lượng càphê nhân xuất khẩu.

Những năm trước đây, nhiều nông hộ sản xuất càphê ở các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và Đắk Nông thường có quan niệm “xanh nhà còn hơn già đồng” nhằm tránh mất cắp, nên khi vườn càphê chỉ mới có 50% quả chín là bắt đầu thu hoạch đại trà.

Trong khi đó, khi thu hoạch, các nông hộ tuốt tất cả các quả trên cành, từ quả xanh non đến quả chín, quả sâu bệnh nên chất lượng càphê không cao.

Nghiêm trọng hơn, việc thu hoạch nhiều quả càphê xanh non là kéo dần thời vụ thu hoạch vào cuối mùa mưa gây nhiều bất lợi trong phơi, sấy, chế biến, đồng thời tăng thêm chu kỳ tưới nước, tăng chi phí đầu tư gây nhiều tốn kém cho người sản xuất…

Từ năm 2013 đến nay, các nông hộ sản xuất càphê ở các tỉnh Tây Nguyên đã xóa bỏ dần tập quán thu hoạch càphê quả xanh.

Các nông hộ khi chuẩn bị bước vào đầu vụ thu hoạch (càphê bắt đầu già, thu bói) đều tổ chức người ăn, ở ngay tại vườn để canh giữ các vườn càphê.

Đối với các vùng có nhiều hộ gia đình có diện tích càphê kinh doanh liền kề đã liên kết thành lập các tổ, đội ngày đêm túc trực bảo vệ các vườn càphê.

Lực lượng dân quân du kích, công an xã tại các vùng sản xuất càphê ở các tỉnh Tây Nguyên hướng dẫn đồng bào đề cao cảnh giác, phát hiện người lạ mặt xuất hiện ở các lô càphê, báo ngay với các đơn vị chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý, kiểm tra.

Tại các vùng chuyên canh càphê tập trung ở xa các khu dân cư, chính quyền các cấp ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đã hợp đồng với các đơn vị quân đội, công an trên địa bàn để bảo vệ các vườn càphê nhằm tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc yên tâm để vườn càphê chín đều, đạt tỷ lệ quả chín từ 90% trở lên.

Các địa phương ở các tỉnh Tây Nguyên còn chỉ đạo, vận động các đại lý thu mua càphê không được thu mua càphê quả tươi không rõ nguồn gốc nhằm góp phần hạn chế tình trạng trộm cắp càphê quả tươi trên địa bàn.

Các doanh nghiệp càphê sản xuất kinh doanh càphê như Ea Pốk, Thắng Lợi, Tháng 10, Phước An, Công ty 15 (Đắk Lắk) ngay từ giữa tháng 10, khi vườn càphê kinh doanh bắt đầu có quả chín thu bói, lực lượng bảo vệ của doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với từng nông hộ nhận khoán phân công người túc trực ngày đêm tại từng lô để bảo vệ vườn cây.

Nhờ vậy, hàng năm, các vườn càphê của các doanh nghiệp này luôn đạt tỷ lệ quả chín từ 95% trở lên mới đưa vào thu hoạch đại trà.

Thậm chí nhiều doanh nghiệp như Ea Pốk, Thắng Lợi còn để vườn cây có tỷ lệ quả chín từ 98% trở lên mới đưa vào thu hoạch đại trà nên chất lượng càphê nhân xuất khẩu của các đơn vị này luôn được các khách hàng trên thế giới đánh giá cao và mua với giá cao hơn so với mặt bằng chung về giá càphê.

Hiện các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích càphê trên 573.000ha; trong đó, diện tích càphê cho thu hoạch trên 532.000ha, Đắk Lắk là địa phương có diện tích càphê nhiều nhất, với trên 204.000ha; trong đó, diện tích càphê cho thu hoạch gần 193.000ha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục