Tây Ninh: Người dân ồ ạt chiếm đất rừng phòng hộ để trồng sắn

Lợi dụng ranh giới đất không có cắm mốc phân định rõ ràng giữa đất rừng phòng hộ và đất bán ngập, người dân đã bao đất, lấn chiếm liền ranh, liền thửa khoảng 87/370ha đất rừng để làm nương sắn.
Tây Ninh: Người dân ồ ạt chiếm đất rừng phòng hộ để trồng sắn ảnh 1Rừng phòng hộ Dầu Tiếng trên đảo Nhím bị tàn phá nặng nề. (Ảnh: Phạm Thanh Tân/TTXVN)

Theo Ủy ban nhân dân huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, tình trạng lấn chiếm đất, chặt phá, đốt cây rừng trên đảo Nhím (thuộc Rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng) thuộc xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu đã diễn ra từ nhiều năm, đến nay vẫn tồn tại và đang có chiều hướng gia tăng, nhất là vào thời điểm hồ Dầu Tiếng vào mùa nước rút.

Người dân nơi đây đang ồ ạt phá rừng, lấy đất xuống giống trồng sắn cho kịp mùa vụ.

Lợi dụng ranh giới đất không có cắm mốc phân định rõ ràng giữa đất rừng phòng hộ và đất bán ngập, người dân đã bao đất, lấn chiếm liền ranh, liền thửa khoảng 87/370ha đất rừng để làm nương sắn.

Cụ thể, ở tổ 1 gồm 69 hộ lấn chiếm khoảng 24ha; tổ 2 gồm 27 hộ lấn chiếm khoảng 10ha; tổ 3 gồm 62 hộ lấn chiếm khoảng 44ha và tổ 4 gồm 15 hộ lấn chiếm khoảng 9ha.

Ông Hà Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Dương Minh Châu cho biết, để giải quyết tình trạng trên, Ủy ban nhân dân huyện Dương Minh Châu đã có kế hoạch tăng cường quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích đất rừng tại đảo Nhím.

Những hộ dân vi phạm lấn chiếm đất, đốt, chặt phá cây rừng được yêu cầu lập biên bản vi phạm và có kế hoạch cưỡng chế, phun thuốc diệt cỏ những diện tích đất rừng cố tình trồng sắn lấn chiếm.... để xử lý theo quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công, chặt phá cây rừng, cất nhà trái phép.

Đảo Nhím có diện tích đất tự nhiên rộng khoảng 1.000ha, nằm giữa hồ Dầu Tiếng. Mọi sinh hoạt, đi lại thông thương với đất liền chủ yếu bằng tàu, thuyền nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát.

Trước đó, một số hộ dân đã được Nhà nước di dời ra khỏi đất rừng do điều kiện sống khó khăn nên đã tự ý quay trở lại tái lấn chiếm đất rừng để cất nhà, canh tác, nuôi trâu bò... tham gia vào việc phá rừng ngày càng nhiều hơn./. 

 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục