Thả hơn 290.000 cá giống bản địa quý hiếm ra sông Hậu

Tỉnh An Giang đã tiến hành thả hơn 291.000 con cá giống bản địa quý hiếm ra sông Hậu nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Thả hơn 290.000 cá giống bản địa quý hiếm ra sông Hậu ảnh 1Thả hơn 290.000 con cá bản địa quý hiếm trên sông Hậu. (Ảnh: Công Mạo/Vietnam+)

Ngày 1/4, Ủy ban Nhân dân thành phố Long Xuyên phối hợp với Sở Nông nghiêp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang (AFA) đã tổ chức lễ phát động và tiến hành hoạt động thả cá bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên năm 2014 ra sông Hậu.

Hoạt động trên nhằm kỷ niệm ngày truyền thống nghề cá Việt Nam và hưởng ứng chủ đề của Ngày thủy sản năm nay là “Tái tạo, phát triển nguồn lợi, bảo vệ môi trường, hướng đến nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản bền vững” đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Việc thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động hết sức thiết thực và ý nghĩa, thể hiện vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chung tay bảo vệ, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; cải thiện môi trường, hệ sinh thái góp phần tạo nên sự phong phú của các quần thể, đa dạng sinh học với nhiều giống loài quý hiếm, có giá trị kinh tế, giá trị khoa học cao trên địa bàn tỉnh An Giang.

Ngay sau lễ phát động, ban tổ chức đã tiến hành thả hơn 3.600kg cá giống và cá thịt với hơn 291.000 con, gồm các loại như cá hô, cá tra, cá rô phi, cá điêu hồng, cá trôi, cá mè Vinh, cá chép về bản địa khu vực sông Hậu.

Trong đợt thả cá này, ngoài chú trọng số lượng, ban tổ chức tập trung vào chất lượng con giống, ưu tiên thả cá có kích cỡ phù hợp để nâng cao tỷ lệ sống sau khi thả.

Tổng kinh phí đợt thả cá này là gần 240 triệu đồng từ sự chung tay của các tổ chức, đơn vị và cá nhân trong tỉnh hưởng ứng đóng góp.

Bên cạnh hoạt động thả cá, Ban tổ chức còn kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền bằng tranh ảnh, tờ rơi, poster về một số loài cá quý hiếm không được phép khai thác để giúp cho ngư dân, người kinh doanh và nhân dân ý thức trong khai thác, mua bán và tiêu dùng.

Phát biểu trong buổi lễ thả cá, ông Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang nhấn mạnh nguồn lợi thủy sản là tài nguyên rất quý giá, nếu khai thác không hợp lý, khai thác quá mức sẽ làm mất cân bằng sinh thái, mất khả năng tự phục hồi của quần thể trong môi trường tự nhiên dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

Ông Hồ Việt Hiệp cũng đánh giá cao sự đồng thuận của các cấp các ngành trong tỉnh cũng như sự nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ kinh phí của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, sự tham gia của các toàn thể bà con nhân dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như quan tâm đến hoạt động thả cá đầy ý nghĩ nhân văn này; mong rằng đây sẽ là một sự kiện thường niên, được tổ chức hàng năm và tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các ngành các cấp, đặc biệt là sự ủng hộ của bà con nhân dân.

Sông Hậu đoạn chảy qua địa phận thành phố Long Xuyên là khu vực trước đây ngư dân thường hay bắt gặp nhiều loại cá đặc hữu quý hiếm như cá thu sông, cá trà sóc, cá chài đuôi đỏ, cá heo bạc, cá ngựa nam. Nhưng mấy năm gần đây, do sự khai thác không hợp lý, có tính chất tận diệt như đánh bắt cá bằng xung điện, lưới có kích thước mắt lưới nhỏ của con người đã làm suy giảm, khan hiếm các nguồn lợi thủy sản này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục