Thái Lan: Đánh bom nhằm vào xe quân sự, 21 người thương vong

Một binh sỹ thiệt mạng và 20 người khác bị thương, trong đó có 2 dân thường, khi một nhóm phiến quân bất ngờ tấn công một xe tuần tra của quân đội Thái Lan ở miền Nam nước này.
Thái Lan: Đánh bom nhằm vào xe quân sự, 21 người thương vong ảnh 1Binh sĩ Thái Lan điều tra tại hiện trường vụ đánh bom nhằm vào lực lượng tuần tra tại tỉnh Pattani, miền nam Thái Lan ngày 19/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhà chức trách Thái Lan ngày 14/9 cho biết 1 binh sỹ thiệt mạng và 20 người khác bị thương, trong đó có 2 dân thường, khi một nhóm phiến quân bất ngờ tấn công một xe tuần tra của quân đội Thái Lan ở miền Nam nước này.

Vụ tấn công này xảy ra vào sáng sớm cùng ngày tại một ngôi làng ở huyện Yaha thuộc tỉnh Yala. Các tay súng đã kích hoạt một quả bom được đặt bên lề đường đúng vào lúc xe tuần tra của quân đội Thái Lan đi tới. Chỉ sau đó nửa giờ, một quả bom khác phát nổ ngay tại hiện trường khi các chuyên gia rà phá bom mìn đang có mặt tại đây và ngay sau đó, các tay súng đã nổ súng bắn vào lực lượng an ninh.

Theo người phát ngôn của quân đội ở miền Nam Thái Lan, đại tá Pramote Prom-in, một lính thủy đánh bộ của nước này đã thiệt mạng do bị thương nặng, trong khi 18 binh sỹ khác bị thương cùng với 2 người dân ở ngôi làng trên.

[Thái Lan: 5 binh sỹ bị thương trong vụ đánh bom kép tại miền Nam]

Vụ tấn công nêu trên xảy ra trong bối cảnh chính quyền Thái Lan đang đàm phán với một nhóm bảo trợ đại diện cho các phiến quân để thiết lập các "vùng an toàn" ở miền Nam nước này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Thái Lan, phe đối lập lớn nhất ở nước này kiếm soát nhóm phiến quân trên đã không tham gia đàm phán.

Khu vực miền Nam Thái Lan thường xảy ra tình trạng xung đột do một số nhóm ly khai hoạt động nhằm đòi thiết lập một nhà nước Hồi giáo riêng. Các nhóm này tiến hành nhiều hoạt động chống quân đội chính phủ trong hơn 10 năm qua tại các tỉnh Yala, Pattanni, Naratkhivat và Songkhla. Kể từ khi bùng phát vào năm 2004, bạo lực tại miền Nam đã làm hơn 6.600 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường theo đạo Phật hoặc đạo Hồi giáo. Từ cuối năm 2014, chính quyền Thái Lan đã cam kết thúc đẩy tiến trình hòa đàm với lực lượng ly khai ở miền Nam thông qua trung gian của nước láng giềng Malaysia, tuy nhiên cho đến nay chỉ đạt được rất ít tiến bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục