Thái Lan không đưa luật ân xá vào dự thảo hiến pháp mới

Ủy ban soạn thảo hiến pháp Thái Lan (CDC) cho biết dự thảo hiến pháp mới của nước này sẽ không bao gồm bất cứ nội dung nào liên quan tới lệnh ân xá.
Thái Lan không đưa luật ân xá vào dự thảo hiến pháp mới ảnh 1Chủ tịch CDC Bavornsak Uwanno. (Nguồn: Bangkok Post)

Ngày 10/12, Ủy ban soạn thảo hiến pháp Thái Lan (CDC) cho biết dự thảo hiến pháp mới của nước này sẽ không bao gồm bất cứ nội dung nào liên quan tới lệnh ân xá.

Người phát ngôn CDC Lertrat Ratanavanich cho biết CDC sẽ không đưa luật ân xá vào dự thảo hiến pháp mới, song sẽ đề nghị thành lập một ủy ban chịu trách nhiệm thúc đẩy hòa giải dân tộc ở Thái Lan.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi một tiểu ban thuộc CDC đề nghị xóa bỏ hoàn toàn hoặc một phần lệnh ân xá cho những đối tượng liên quan tới các cuộc tụ tập chính trị trong một giai đoạn cụ thể nhằm thúc đẩy hòa giải dân tộc.

Theo ông Lertrat, CDC đã hoàn tất việc xem xét hầu hết các báo cáo của các tiểu ban, song hiện còn hai vấn đề tồn đọng, đó là kiểm tra việc sử dụng quyền lực của nhà nước, của các tổ chức độc lập và bầu các nhà lãnh đạo chính trị, thành viên quốc hội và nội các.

Hai vấn đề nêu trên dự kiến sẽ được thảo luận vào cuối tuần này, sau đó CDC sẽ tổng hợp các ý kiến của Hội đồng cải cách quốc gia (NRC) và bắt đầu soạn thảo nội dung dự thảo hiến pháp mới sau ngày 1/1/2015.

Trong một diễn biến liên quan, cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva ngày 10/12 đã phản đối ý kiến bầu trực tiếp thủ tướng và các thành viên nội các.

Ông cho rằng đề xuất này có thể làm gia tăng xung đột do vị thủ tướng được bầu trực tiếp có thể sẽ lạm dụng quyền lực.

Gần 6 tháng sau khi quân đội Thái Lan lên nắm quyền điều hành đất nước, CDC gồm 36 thành viên đã được thành lập với nhiệm vụ soạn thảo hiến pháp mới.

Theo quy định, CDC, do tiến sỹ Bavornsak Uwanno, Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Hoàng gia Thái Lan, làm Chủ tịch - sẽ phải hoàn tất đề xuất dự thảo hiến pháp mới trong vòng 4 tháng trước khi trình lên NRC và chính quyền quân sự, có tên gọi chính thức là Hội đồng quốc gia vì Trật tự và Hòa bình của Thái Lan phê duyệt.

Nếu được thông qua, đây sẽ là hiến pháp thứ 20 của Thái Lan kể từ khi quốc gia Đông Nam Á này thiết lập chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1932.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha bày tỏ hy vọng hiến pháp mới sẽ chấm dứt những chia rẽ chính trị kéo dài ở Thái Lan, đồng thời người dân sẽ được tham gia quá trình soạn thảo hiến pháp để giảm mâu thuẫn và xây dựng một chính quyền tốt trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục