Thái Lan thúc đẩy đưa mô hình BCG vào chương trình nghị sự APEC

Được thúc đẩy bởi khái niệm nền kinh tế BCG, chủ đề của APEC sẽ là “Rộng mở-Kết nối-Cân bằng” nhằm đưa APEC rộng mở cho mọi cơ hội, kết nối trong mọi chiều và cân bằng trong mọi khía cạnh.
Thái Lan thúc đẩy đưa mô hình BCG vào chương trình nghị sự APEC ảnh 1(Nguồn: bangkokpost.com)

Hơn 50 đại biểu từ các cộng đồng quốc tế đang tham dự Hội nghị không chính thức các quan chức cấp cao APEC (SOM) đầu tiên dưới sự chủ trì của Thái Lan tại hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket trong ba ngày từ 1/12.

Đây là hội nghị trực tiếp đầu tiên của APEC trong 22 tháng qua sau khi phải họp trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Truyền thông sở tại ngày 2/12 cho biết hội nghị đã củng cố khái niệm của Thái Lan về nền kinh tế "sinh học-tuần hoàn-xanh" (BCG) nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch SOM APEC 2022 Thani Thongphakdi nói rằng năm đăng cai của Thái Lan sẽ tập trung vào việc vạch ra một tương lai hậu COVID-19 cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng với việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm, cân bằng, bền vững và kiên cường. Điều này nên được thực hiện theo cách tiếp cận dựa trên các mô hình kinh tế như BCG.

Theo ông Thani, được thúc đẩy bởi khái niệm nền kinh tế BCG, chủ đề của APEC sẽ là “Rộng mở-Kết nối-Cân bằng” nhằm đưa APEC rộng mở cho mọi cơ hội, kết nối trong mọi chiều và cân bằng trong mọi khía cạnh.

Là nước chủ nhà của Năm APEC 2022, Chính phủ Thái Lan hy vọng sẽ đạt được kế hoạch thúc đẩy thương mại và đầu tư mở trong khuôn khổ Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) trong bối cảnh hậu COVID-19.

Về mặt cân bằng, ông nói Thani cho biết Chính phủ Thái Lan cam kết thúc đẩy sự bền vững và chương trình nghị sự tăng trưởng xanh của APEC bằng cách mở rộng các hành động thông qua những khuôn khổ hiện có và ủng hộ cách tiếp cận toàn xã hội và toàn hệ thống để mang lại kết quả rõ ràng.

Nguyên Bộ trưởng Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới Suvit Maesincee nhận xét khu vực tư nhân là yếu tố then chốt để đạt được kế hoạch đó. Khu vực tự nhân phải điều chỉnh tư duy từ động cơ tăng trưởng kinh tế sang động cơ tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững, trong khi khoa học, công nghệ và đổi mới là chìa khóa của BCG.

[Sáng kiến, đề xuất của Việt Nam được phản ánh trong văn kiện của APEC]

Theo ông Riccardo Mesiano, quan chức về phát triển bền vững từ Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP), cộng đồng thế giới nên tăng tốc hành động để đạt được mục tiêu phát triển toàn cầu vào năm 2030 vì tình hình đã không tốt trước khi bùng phát COVID-19 và thậm chí còn bị "lùi một số chỉ tiêu."

Trong khi đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) phụ trách về ổn định các thể chế tài chính Ronadol Numnonda nhận định cần có thời gian để chuyển đổi sang tài chính xanh, đặc biệt là thu thập và chuẩn bị dữ liệu lớn.

Thái Lan thúc đẩy đưa mô hình BCG vào chương trình nghị sự APEC ảnh 2Người dân thủ đô Bangkok mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)

Thái Lan đã tiếp nhận cương vị Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương từ New Zealand và công bố chủ đề của Năm APEC 2022 là “Rộng mở-Kết nối-Cân bằng” trong một buổi lễ diễn ra dưới hình thức trực tuyến hôm 12/11.

Phát biểu sau lễ công bố biểu trưng của Năm APEC 2022 vào tháng trước, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan Cherdchai Chaivaivid cho biết APEC 2022 sẽ không chỉ là diễn đàn cho đầu tư thương mại hoặc những cơ hội thị trường, mà còn sẽ mở rộng vai trò nước chủ nhà của Thái Lan.

Theo ông Cherdchai, do sự đổ vỡ gây ra bởi đại dịch COVID-19, APEC lần này sẽ không giống như trước, vì phải xem xét thêm nhiều vấn đề khác. Ngày nay, đột phát kỹ thuật số và biến đổi khí hậu cũng đang là tâm điểm chú ý của thế giới. Ngoài ra, ý tưởng về tính bền vững, đổi mới và phát triển số hóa cũng là những chủ đề nóng.

Đối với "Rộng mở," khái niệm đó sẽ là về tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư. "Kết nối" sẽ liên quan đến sự phục hồi, đi lại và du lịch cũng như cách giúp những người ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đi lại dễ dàng hơn, kể cả trong kỷ nguyên COVID-19. Ý tưởng "Cân bằng" là về cách quan tâm đến môi trường và chìa khóa của khái niệm "cân bằng" là "trách nhiệm."

Theo kế hoạch, trong năm 2022, Thái Lan sẽ tổ chức khoảng 100 cuộc họp tập trung vào tăng trưởng bền vững và bao trùm, thúc đẩy cân bằng giữa kinh tế và môi trường, cũng như tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 29 dự kiến sẽ được tổ chức ở Thái Lan vào đầu tháng 11/2022. Nước này đang thúc đẩy Mô hình kinh tế BCG làm động lực cho những ưu tiên của APEC vào năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục