Thái Nguyên bố trí hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên là đến hết năm 2015 có từ 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới trở lên, chiếm tỷ lệ 29,4% số xã nông thôn trên địa bàn.
Thái Nguyên bố trí hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới ảnh 1(Ảnh minh họa: Thanh Liêm/TTXVN)

Từ đầu năm đến nay, Thái Nguyên đã bố trí hơn 1.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ xây dựng nông thôn mới gần 100 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia, hỗ trợ có mục tiêu khác 360 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 226 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện 275 tỷ đồng...

Mục tiêu đến hết năm 2015, toàn tỉnh có từ 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới trở lên, chiếm tỷ lệ 29,4% số xã nông thôn trên địa bàn.

Ông Hoàng Cường Quốc, Chánh văn phòng Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết thời gian qua, việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực. Tất cả các cấp, ngành, địa phương đều có kế hoạch triển khai tích cực về xây dựng nông thôn mới; huy động thêm các nguồn lực cho chương trình theo phương châm không dàn trải. Địa phương nào có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu về đích sớm, không chờ đợi.

Ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, trong 3 năm qua, chương trình đã huy động thêm nguồn vốn tín dụng, vốn của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư với tổng số tiền hơn 6.400 tỷ đồng.

Riêng trong năm nay, việc phân bổ vốn từ ngân sách thực hiện cho 81 xã nông thôn khó khăn với mức bố trí tối thiểu gấp 2 lần các xã không thuộc đối tượng ưu tiên. Các xã phấn đấu về đích năm 2015 được ưu tiên bố trí vốn chương trình mục tiêu nông thôn mới và lồng ghép các nguồn vốn để đảm bảo đủ vốn; ưu tiên sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư trụ sở các xã theo đề án được duyệt....

Theo Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2015-2016, tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, dự án, trên cùng địa bàn để phát huy hiệu quả; ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất theo Đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa để nâng cao sức cạnh tranh; hỗ trợ mở rộng các cơ sở sản xuất có quy mô lớn và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị hàng hóa...

Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm giải ngân nguồn hỗ trợ 15.000 tỷ đồng của Chính phủ cho xây dựng nông thôn mới và tăng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho các địa phương để lập quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã và quy hoạch sản xuất, đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục