Thái Nguyên phát huy lợi thế vùng trọng điểm để phát triển bền vững

Thái Nguyên cần nhận thức đúng, xác định rõ tiềm năng thế mạnh vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc Thủ đô Hà Nội để có các giải pháp thu hút đầu tư, phát triển bền vững.
Thái Nguyên phát huy lợi thế vùng trọng điểm để phát triển bền vững ảnh 1Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX. (Nguồn: thainguyen.gov.vn)

Sáng 27/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã khai mạc trọng thể.

Ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và chỉ đạo Đại hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đánh giá cao và biểu dương những thành tích của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên trong thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ qua, nhất là việc tạo bước chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển giáo dục-đào tạo, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, củng cố an ninh-quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt hiệu quả cao.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa đề nghị các đại biểu dự đại hội thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế yếu kém như một số chỉ tiêu về xây dựng trường tiểu học chuẩn quốc gia, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chưa đạt, tình trạng ô nhiễm môi trường chậm khắc phục, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng còn nhiều hạn chế nhằm đề ra phương hướng khắc phục hiệu quả trong nhiệm kỳ tới.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa nhấn mạnh nhiệm kỳ tới, Đảng bộ, các cấp chính quyền trong tỉnh cần nhận thức đúng, xác định rõ tiềm năng thế mạnh của địa phương, vị trí của Thái Nguyên trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc Thủ đô Hà Nội để có các giải pháp thu hút đầu tư, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, ưu tiên công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp điện tử, công nghệ cao, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trọng điểm; phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hình thành vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung, tiếp tục phát triển cây chè cũng như thương hiệu "Chè Thái Nguyên"...

Thái Nguyên cần phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Tỉnh cần chú trọng giữ vững, bảo đảm an ninh-quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, chăm lo công tác xây dựng Đảng, gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và kỷ luật Đảng...

Báo cáo chính trị tại Đại hội biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX nêu rõ trong 5 năm qua, kinh tế tăng trưởng bình quân hằng năm của Thái Nguyên ước đạt 13,1%, cao hơn 7,28% so với mức bình quân chung của cả nước, GDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 46,4 triệu đồng, tăng 2,6 lần so với năm 2010; thu ngân sách nhà nước trong cân đối năm 2015 đạt 6.200 tỷ đồng, gấp 3,33 lần so với năm 2010; công nghiệp có bước phát triển vượt bậc, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 70,8%/năm...

Lĩnh vực văn hóa-xã hội, 5 năm qua, Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực, số trường chuẩn Quốc gia đạt 73,3%; đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh còn 7,06%; tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo đạt 58%; hằng năm đã tạo việc làm mới cho trên 23.300 lao động; 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế...

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ tỉnh chú trọng làm tốt công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được tiến hành nghiêm túc và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân; bình quân mỗi năm có 79,4% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh, trên 85,3% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và kết nạp mới được trên 3.000 đảng viên...

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội vẫn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém như tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ, công tác quản lý môi trường còn hạn chế, chậm được khắc phục, công tác giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn ở mức độ cao.

Nguyên nhân là do nguồn lực dành cho đầu tư phát triển còn hạn chế, công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp thực hiện của một số ngành trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch và quản lý quy hoạch trên một số lĩnh vực còn bất cập, trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn thấp.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX sẽ diễn ra đến ngày 29/10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục