Thâm hụt ngân sách Mỹ giảm nhưng vẫn mức cao

Cán cân thu chi ngân sách của Chính phủ liên bang Mỹ trong tháng Hai đã giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao.
Cán cân thu chi ngân sách của Chính phủ liên bang Mỹ trong tháng Hai vừa qua đã giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao.

Với mức thặng dư lần đầu tiên trong tháng Một và mức giảm trong tháng Hai, dự báo mức thâm hụt ngân sách tài khóa 2013 của Mỹ có thể lần đầu tiên trong năm năm qua giảm xuống dưới ngưỡng 1.000 tỷ USD.

Báo cáo công bố ngày 13/3 của Bộ Tài chính Mỹ, cho biết tổng nguồn thu của chính phủ liên bang trong tháng 2/2013 đạt 122,8 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong khi đó, tổng khoản chi của chính phủ trong tháng thống kê ở mức 326,3 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh chính phủ tiếp tục các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách và nợ công.

Như vậy, cán cân thu chi ngân sách trong tháng Hai bị thâm hụt 203,5 tỷ USD, giảm 28,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng mạnh so với mức thặng dư 2,9 tỷ USD trong tháng 1/2013.

Tính chung cho cả năm tháng đầu tiên của tài khóa 2013, bắt đầu từ ngày 1/10/2012, tổng thâm hụt cán cân chi tiêu của Mỹ đã ở mức 494 tỷ USD, giảm 87 tỷ USD so với cùng kỳ tài khóa 2012.

Với số liệu thống kê trên, Phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự báo trong tài khóa 2013, thu chi ngân sách liên bang của Mỹ sẽ bị thâm hụt khoảng 845 tỷ USD.

Đây sẽ là mức thâm hụt thấp nhất kể từ năm 2008 và là lần đầu tiên trong năm năm qua thâm hụt ngân sách của Mỹ giảm xuống dưới ngưỡng 1.000 tỷ USD.

Thâm hụt ngân sách của Mỹ đạt đỉnh cao 1.410 tỷ USD năm 2009, sau đó giảm xuống 1.297 tỷ USD trong tài khóa 2011 và đạt 1.090 tỷ USD trong tài khóa 2012.

Báo cáo thu chi ngân sách tháng Hai được công bố một ngày sau khi phe Cộng hòa kiểm soát Hạ viện và đảng Dân chủ nắm quyền đa số tại Thượng viện Mỹ vừa công bố hai kế hoạch khác nhau với mục tiêu chung là cắt giảm thâm hụt ngân sách nhằm giảm bớt khoản nợ quốc gia đang ngày càng phình to.

Trong khi các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Hạ viện đề xuất cắt giảm tổng cộng 4.600 tỷ USD trong 10 năm tới, chủ yếu từ các chương trình phúc lợi xã hội, các nghị sỹ Dân chủ tại Thượng viện lại đưa ra kế hoạch cắt giảm tổng cộng 1.850 tỷ USD trong 10 năm tới thông qua việc tăng thuế và tăng 100 tỷ USD cho xây dựng và nâng cấp hạ tầng cơ sở nhằm tạo thêm việc làm.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định hai phương án có cùng mục tiêu nhưng khác nhau căn bản về số liệu và biện pháp này đều khó có cơ hội được thông qua./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục