Thâm hụt thương mại của Mỹ thấp nhất trong vòng 1 năm qua

Trong tháng 11 vừa qua, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ đạt 235,4 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2014.
Thâm hụt thương mại của Mỹ thấp nhất trong vòng 1 năm qua ảnh 1Tại sàn giao dịch cổ phiếu New York. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kim ngạch nhập khẩu giảm nhiều hơn kim ngạch xuất khẩu cộng với giá nhập khẩu dầu thô giảm mạnh đã làm cho mức chênh lệch cán cân xuất nhập khẩu của Mỹ trong tháng 11/2014 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một năm qua.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo công bố ngày 7/1 của Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong tháng 11 vừa qua, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này đạt 235,4 tỷ USD, giảm 2,2% so với tháng trước đó và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2014.

Trong khi đó, tổng giá trị xuất khẩu trong tháng đạt 196,4 tỷ USD, giảm 1% so với tháng 10. Như vậy, thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu trong tháng 11 chỉ ở mức 39 tỷ USD so với 42,2 tỷ USD trong tháng trước đó. Đây là mức thâm thủng cán cân xuất nhập khẩu thấp nhất của Mỹ trong gần một năm qua.

Kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của Mỹ trong tháng đạt thấp nhất kể từ 8/2009, đẩy mức thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu xăng dầu của nước này xuống thấp nhất trong vòng gần 11 năm qua, chỉ ở mức 11,4 tỷ USD.

Ngoài việc giảm nhập khẩu, một nguyên nhân khiến kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của Mỹ trong tháng 11 giảm mạnh là do giá dầu trên thị trường thế giới liên tục giảm.

Giá nhập khẩu dầu thô trong tháng 11 ở mức trung bình 82,95 USD/thùng so với mức trung bình 88,47 USD/thùng trong tháng 10, trong khi đó sản lượng khai thác dầu khí nội địa của Mỹ trong tháng tăng tới 5,4%. Tổng chi phí nhập khẩu các sản phẩm dầu của Mỹ trong tháng 11 là 23,1 tỷ USD, giảm 11,8% so với tháng 10.

Cũng theo báo cáo, mức thâm hụt cán cân buôn bán của Mỹ với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - trong tháng 11 là 29,9 tỷ USD, giảm 8% do kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ nước này giảm. Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ vào Liên minh châu Âu và Nhật Bản trong tháng lần lượt giảm 7,7% và 9,7%.

Trong khi Bộ Thương mại Mỹ công bố những số liệu tích cực về kinh tế nước này thì Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lại bày tỏ lo ngại về các nguy cơ từ bên ngoài đối với nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trong biên bản đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) diễn ra ngày 16-17/12 vừa qua và được công bố cùng ngày, Fed cho rằng bối cảnh thế giới hiện nay đặt ra hàng loạt "nguy cơ tiêu cực" đối với hoạt động kinh tế Mỹ cũng như tình hình việc làm trong nước.

Theo Fed, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sẽ trở nên yếu hơn, nếu việc giá dầu giảm và hoạt động kinh tế ở nước ngoài tiếp tục yếu kém có tác động rất tiêu cực đối với thị trường tài chính quốc tế.

Các chuyên gia Fed cũng dự báo triển vọng tăng trưởng không mấy sáng sủa của khu vực đồng euro, Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời nhận định giá dầu giảm sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế Nga, Venezuela và nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ khác.

Cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về chính sách tài chính này cũng để ngỏ khả năng tăng lãi suất cơ bản thấp gần như bằng 0% duy trì từ tháng 12/2008, ngay cả khi tỷ lệ lạm phát thấp hơn "chỉ tiêu" 2% đề ra.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed cho rằng giá năng lượng ở mức thấp và đồng USD tăng giá sẽ giúp giữ lạm phát dưới mức chỉ tiêu thêm một thời gian nữa, điều này có thể là động cơ để Fed tiến tới giảm bớt chính sách nới lỏng tiền tệ.

Fed cho biết kế hoạch tăng lãi suất có thể được tiến hành sớm hơn dự kiến, vào đầu tháng Tư tới, sau hai cuộc họp diễn ra lần lượt vào tháng 1 và tháng 3/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục