Tham nhũng hủy hoại Quỹ chống 3 căn bệnh thế kỷ

Tham nhũng có thể chiếm 2/3 ngân quỹ trị giá 21,7 tỷ USD được đóng góp cho cuộc chiến chống bệnh HIV/AIDS, lao phổi và sốt rét.
Ngày 24/1, Cơ quan Tổng thanh tra của Quỹ Toàn cầu chống các bệnh HIV/AIDS, lao phổi và sốt rét (GFATM) đã phát hiện vụ tham nhũng có thể chiếm tới 2/3 ngân quỹ trị giá 21,7 tỷ USD được cộng đồng quốc tế đóng góp cho cuộc chiến toàn cầu chống các căn bệnh này.

Sau khi thanh tra một phần nhỏ trong ngân quỹ 10 tỷ USD được GFATM chi từ năm 2002, Cơ quan Tổng thanh tra đã đưa ra những kết luận gây sốc về tham nhũng.

Cụ thể, 67% số tiền chi cho chương trình chống HIV/AIDS ở Mauritania, 36% số tiền chi cho chương trình chống lao phổi và sốt rét ở Mali, 30% số tiền cho chương trình chống ba căn bệnh thế kỷ ở Djibouti …đã bị biển thủ.

Báo cáo năm 2010 của Liên hợp quốc đã xác định số tiền được cộng đồng thế giới đóng góp nhân đạo cho cuộc chiến chống các căn bệnh thế kỷ này đã bị biển thủ ở ít nhất bốn nước.

Phần lớn việc giải ngân mờ ám đều đi kèm các chứng từ giả, sổ sách kế toán có nhiều điểm không rõ ràng. Ngoài ra, một lượng lớn thuốc chữa bệnh dành cho các nước nghèo đã bị bán ra thị trường chợ đen.

Phản ứng trước các thông tin tham nhũng tại GFATM, Thụy Điển, nước đóng góp lớn nhất theo tỷ lệ đầu người cho quỹ này, tuyên bố không giải ngân khoản viện trợ nhân đạo 167 triệu euro của nước này trong giai đoạn 2011-2013 trừ phi GAFTM hành động mạnh mẽ để đảm bảo các nguồn ngân quỹ nhân đạo này không bị biển thủ và rơi vào túi các quan chức tham nhũng ở các nước nhận tài trợ.

Trong một tuyên bố ngay sau đó, ông Michel Kazatchkine, Giám đốc điều hành GFATM, khẳng định tổ chức này sẽ đấu tranh không khoan nhượng với tệ tham nhũng.

GFATM, được Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) thành lập và Liên hợp quốc ủng hộ, đã đi vào hoạt động từ năm 2002. Cho đến nay, 120 nước nghèo và đang phát triển đã nhận được nguồn quỹ từ cơ chế tài chính quốc tế nhiều tỷ USD này.

Theo kế hoạch phân bổ được phê chuẩn tháng 12/2007, khoảng 57% nguồn quỹ của GFATM dành cho các nước thuộc khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi, 12% cho khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, 9% dành cho các nước Trung Á và Đông Âu. Tỷ lệ chia cho khu vực Nam Á, Mỹ Latinh và Caribe là 8%. Trung Đông và Bắc Phi là 6%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục