Thẩm tra đề án tiếp tục đổi mới hoạt động Quốc hội

Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ sáu, thẩm tra Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Ngày 19/5, Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ sáu, thẩm tra Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Trình bày về Đề án, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh quan điểm được xác định trong Đề án là tập trung đổi mới cách thức tổ chức công việc, bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan tham mưu, giúp việc Quốc hội.

Đối với hoạt động lập pháp, Đề án nêu rõ Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham gia thẩm tra và có ý kiến bằng văn bản đối với các đề nghị, kiến nghị về luật, các chính sách pháp luật dự kiến đưa vào dự án thuộc chương trình theo lĩnh vực được phân công theo dõi.

Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra, tổng hợp ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội và giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; không đưa vào dự kiến Chương trình các dự án không đủ điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Về hoạt động giám sát, Đề án tiếp tục hoàn thiện thủ tục chất vấn theo nhóm vấn đề, dành toàn bộ thời gian tại Hội trường cho việc hỏi và trả lời câu hỏi trực tiếp; Ủy ban thường vụ Quốc hội lựa chọn một số nhóm vấn đề bức xúc, nổi cộm mà dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, dự kiến danh sách những người trả lời chất vấn gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Tại phiên chất vấn, sẽ tiến hành chất vấn từng nhóm vấn đề theo hướng đối thoại, tranh luận về từng vấn đề.

Đề án đã đề cập tới các nội dung quan trọng khác về quyết định các vấn đề quan trọng; tổ chức kỳ họp Quốc hội; tổ chức phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; hoạt động tiếp xúc cử tri.

Qua thảo luận, các ý kiến của đại biểu đánh giá Đề án đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, có sự tiếp thu, chỉnh lý hợp lý qua các lần thảo luận. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí cho rằng việc xây dựng Đề án nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh tới phạm vi của Đề án là đổi mới về phương thức, cách thức làm việc để vừa giảm bớt thời gian họp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả làm việc của Quốc hội. Đề án đề cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội trong hoạt động của Quốc hội đồng thời tăng cường hoạt động giải trình của bộ, ngành hữu quan trước Hội đồng và các ủy ban.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Lê Việt Trường tán thành và đánh giá cao việc quy định thông báo công khai nội dung, chương trình, lịch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; tạo điều kiện thuận lợi để cử tri có thể tham dự các cuộc tiếp xúc; bảo đảm để đại biểu Quốc hội trực tiếp gặp gỡ với cử tri; hạn chế thủ tục hành chính, tiếp xúc “đại cử tri” tạo không khí cởi mở, dân chủ, trao đổi thắng thắn giữa cử tri với đại biểu và dành thời gian thích đáng để cử tri nêu ý kiến, kiến nghị.

Trên cơ sở tán thành với quan điểm Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham gia thẩm tra và có ý kiến bằng văn bản, đại biểu băn khoăn và đề nghị cân nhắc nên quy định là thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban tham gia thẩm tra để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện.

Qua thảo luận, có ý kiến cho rằng sau chất vấn, cần thiết phải có nghị quyết về chất vấn và trách nhiệm của người trả lời chất vấn; tăng cường hoạt động chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình tại Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội giữa hai kỳ họp…

Theo kế hoạch Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội sẽ trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII bắt đầu vào ngày 21/5. Các ý kiến của đại biểu sẽ được Ủy ban Pháp luận nghiên cứu, tiếp thu, thể hiện trong Báo cáo thẩm tra về Đề án của Ủy ban trình Quốc hội./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục