Thẩm tra dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Tiếp tục Phiên họp toàn thể, sáng 5/3, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.
Thẩm tra dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND ảnh 1Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục Phiên họp toàn thể, sáng 5/3, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Theo Tờ trình dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Qua giám sát đã đưa nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và của địa phương, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quản lý điều hành kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập: giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân hiện còn quy định trong nhiều văn bản khác nhau, một số quy định còn trùng lặp, chưa rõ ràng, cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện.

Phạm vi giám sát quá rộng với nhiều chủ thể, nhiều hình thức giám sát nhưng lại chưa phân định rõ thẩm quyền cũng như sự phối hợp giữa các chủ thể giám sát dẫn tới sự chồng chéo trong thực hiện.

Nhiều quy định về hình thức giám sát chưa được thực thi hoặc tính khả thi còn thấp, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát chưa đáp ứng yêu cầu.

Để khắc phục những bất cập, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, thể chế hóa các quy định liên quan đến hoạt động giám sát trong Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội... thì việc ban hành một đạo luật chung về hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân là cần thiết.

Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân được thiết kế gồm bốn chương, 90 điều. Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân. Dự thảo Luật bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám, trong đó khẳng định rõ “giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước. Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc yêu cầu, kết luận, kiến nghị về giám sát.”

Về hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật bổ sung một số quy định mới về việc cơ quan, tổ chức đề xuất nội dung đưa vào chương trình giám sát, quy định cụ thể trình tự Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua chương trình giám sát và trách nhiệm báo cáo việc thực hiện chương trình giám sát với Quốc hội.

Về giám sát của Hội đồng Nhân dân, dự thảo luật cơ bản giữ quy định về chủ thể giám sát, phạm vi giám sát của Hội đồng Nhân dân như quy định của Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân nhưng có sửa đổi, bổ sung về hình thức giám sát, cụ thể các trình tự, thủ tục tiến hành giám sát.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân để thể chế hóa các quy định của Hiến pháp, khắc phục các hạn chế, bất cập, các quy định hiện hành về giám sát; cơ bản tán thành với kết cấu, bố cục của dự thảo luật.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị tách Chương 4 thành hai chương là Chương "Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và bảo đảm hoạt động giám sát" và Chương "Điều khoản thi hành."

Về giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát khác của Quốc hội, nhiều ý kiến của Ủy ban Pháp luật nhất trí với quy định của dự thảo Luật và cho rằng Quốc hội chỉ giám sát tối cao tại Kỳ họp Quốc hội.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giữ lại quy định đoạn 2, Điều 1 của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 là “Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao của mình tại kỳ họp Quốc hội trên cơ sở hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội” vì cho rằng quy định này phù hợp với thực tiễn hiện nay, khi Quốc hội tiến hành giám sát tại kỳ họp Quốc hội phải dựa trên kết quả hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Về quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, Điều 9 dự thảo Luật quy định về quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; khoản 3 điều này quy định đối tượng chịu sự giám sát có quyền từ chối, trả lời, cung cấp thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

Nhiều ý kiến cho rằng quy định như dự thảo dễ dẫn đến trường hợp đối tượng chịu sự giám sát sẽ lạm dụng, gây khó khăn, né tránh, cản trở việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, hạn chế quyền giám sát của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử; đề nghị bỏ quy định đối tượng chịu sự giám sát có quyền từ chối trả lời, cung cấp thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật, đồng thời bổ sung quy định cơ quan tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

Về hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát, Ủy ban Pháp luật tán thành quan điểm thể hiện trong dự thảo luật là mọi hoạt động giám sát, sau khi kết thúc giám sát, chủ thể giám sát phải có ý kiến chính thức bằng văn bản. Ý kiến chính thức này phải có hiệu lực bắt buộc thi hành.

Nhiều ý kiến của Ủy ban Pháp luật cho rằng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, việc quy định cụ thể, chặt chẽ hậu quả pháp lý của giám sát cũng như chế tài đối với việc không thực hiện, thực hiện không đúng cũng như thực hiện không đầy đủ yêu cầu giám sát là rất cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục